A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rung Nhĩ Có Chữa Được Không?

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim phổ biến và nguy hiểm nhất. Người mắc rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ não gấp năm lần, suy tim gấp ba lần và tử vong gấp hai lần so với người bình thường. Vậy rung nhĩ có chữa khỏi được không? Hãy cùng tìm hiểu qua những chia sẻ và giải đáp câu hỏi của bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Trang - Bệnh viện Tim Hà Nội trong bài viết dưới đây.

ThS. BS. Nguyễn Thị Quỳnh Trang

Bệnh viện Tim Hà Nội

(Ảnh minh họa) Rung nhĩ có chữa khỏi được hay không?

1. Rung nhĩ có chữa khỏi được hay không?

Hiện tại chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh rung nhĩ. Nhưng đã có một số phương pháp mới giúp cải thiện được đáng kể kết quả điều trị, có thể làm mất đi các triệu chứng trong một thời gian dài ở một số bệnh nhân.

Tuy không thể chữa khỏi rung nhĩ nhưng việc tích cực điều trị sẽ giúp người bệnh có thể sống chung an toàn với căn bệnh này, giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất bạn cần ghi nhớ là việc phát hiện và chữa trị kịp thời ở các giai đoạn sớm của bệnh sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn trong quá trình điều trị rung nhĩ.

Các phương pháp điều trị vẫn đang được nghiên cứu. Hy vọng trong tương lai gần nhất chúng ta sẽ có những biện pháp điều trị triệt để căn bệnh này.

(Ảnh minh họa) Nghiên cứu phương pháp mới để điều trị triệt để rung nhĩ trong tương lai gần.

2. Mục tiêu điều trị rung nhĩ

- Khôi phục lại nhịp tim bình thường (nhịp xoang) hoặc kiểm soát tần số tim.

- Ngăn ngừa cục máu đông, giảm nguy cơ đột quỵ.

Chiến lược điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm xem xét bệnh tim nền, bệnh kèm theo hoặc có khả năng dùng các thuốc kiểm soát nhịp tim hay không... Theo đó các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc, phẫu thuật hoặc một số thủ thuật khác phù hợp để điều trị rung nhĩ.

Với phương pháp điều trị bằng thuốc, sẽ có nhiều loại thuốc khác nhau nhưng nhắm vào ba vấn đề chính của rung nhĩ:

- Thuốc cắt cơn rung nhĩ giúp tim của bạn trở lại nhịp điệu bình thường. Ví dụ: amiodarone.

- Thuốc kiểm soát nhịp tim được bác sĩ kê đơn để làm chậm nhịp tim khi bạn phải sống chung với rung nhĩ. Các nhóm thuốc thường dùng là thuốc chẹn Beta giao cảm, thuốc chẹn kênh Canxi hoặc Digoxin.

- Thuốc chống đông giúp ngăn ngừa hình thành các cục máu đông. Vì trong rung nhĩ, cục máu đông hình thành ở buồng trên của tim (tâm nhĩ) có thể đi khắp cơ thể, gây tắc nghẽn. Do đó thuốc chống đông có thể phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, đặc biệt là đột quỵ (khi cục máu đông di chuyển đến não và gây tắc mạch máu não).

Trong một số trường hợp, có thể bạn cần các phương pháp điều trị khác ngoài thuốc để khôi phục nhịp xoang, ví dụ: sốc điện, triệt đốt rung nhĩ qua đường ống thông hay thủ thuật Maze (nếu bạn có chỉ định phẫu thuật).

(Ảnh minh họa) Bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.

3. Vai trò của thuốc chống đông ở bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ

Những người bị rung nhĩ có nguy cơ hình thành cục máu đông - nguyên nhân chính có thể dẫn đến đột quỵ. Nguy cơ này tăng lên ở người cao tuổi hoặc khi bệnh nhân mắc rung nhĩ kèm theo các bệnh lý tim mạch khác như: tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim… Khi đó thuốc chống đông máu sẽ giúp bạn phòng ngừa nguy cơ đột quỵ.

- Kháng vitamin K (Warfarin, Acenocoumarol…) là thuốc chống đông đường uống giúp ngăn ngừa cục máu đông. Khi dùng thuốc bạn cần xét nghiệm đông máu thường xuyên để theo dõi tác dụng của thuốc và chú ý đến những tương tác của thuốc, đặc biệt là với thức ăn, để có một chế độ ăn phù hợp.

(Ảnh minh họa) Cần phải xét nghiệm khả năng đông máu với bệnh nhân sử dụng thuốc kháng vitamin K

- Thuốc chống đông không phải nhóm kháng vitamin K (thuốc chống đông thế hệ mới): rivaroxaban, dabigatran, apixaban và edoxaban. Đây là loại thuốc giúp ngăn ngừa đột quỵ ở những người bị rung nhĩ mà không cần phải theo dõi xét nghiệm đông máu thường xuyên.

Bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh về việc chỉ định dùng thuốc chống đông và lựa chọn loại thuốc chống đông phù hợp. Điều quan trọng nhất là bạn cần lưu ý dùng thuốc chống đông máu đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Một số người sẽ phải dùng suốt đời ngay cả khi cơn rung nhĩ xuất hiện với tần suất vô cùng thấp.

Tài liệu tham khảo:

https://www.nhs.uk/conditions/atrial-fibrillation


Tác giả: ThS. BS. Nguyễn Thị Quỳnh Trang

Bài viết liên quan

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: CÁC NGUY CƠ THẦM LẶNG DẪN ĐẾN ĐỘT QUỴ NÃO
Tháng 11/2024
PGS. TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Tim TP.HCM, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM