Những Điều Cần Ghi Nhớ Cho Bệnh Nhân Sử Dụng Thuốc Chống Đông Máu Dự Phòng Đột Quỵ
Nếu đang sử dụng thuốc chống đông máu dự phòng đột quỵ, bạn có khá nhiều điều cần phải lưu ý. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản giúp bạn sử dụng thuốc hiệu quả hơn để phòng chống nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, hãy tái khám định kỳ và tham khảo ngay ý kiến bác sĩ khi gặp sự cố.
ThS. BS. NGUYỄN PHƯƠNG ANH
C9 - Viện tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai
Khi bạn được chẩn đoán rung nhĩ, là một dạng rối loạn nhịp tim trong đó tâm nhĩ đập không đều, thì có nghĩa là bạn có nguy cơ bị đột quỵ. Bác sỹ có thể đề nghị bạn sử dụng thuốc chống đông máu để ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông ở trong tim. Nếu cục máu đông hình thành và di chuyển theo động mạch cảnh lên não sẽ gây đột quỵ não.
Những trường hợp cần sử dụng thuốc chống đông máu
Thuốc chống đông máu làm chậm quá trình đông máu, khiến cục máu đông khó hình thành và ngăn ngừa cục máu đông hiện có phát triển. Thuốc được sử dụng để ngăn ngừa đột quỵ ở những người có bệnh rung nhĩ, có van tim nhân tạo hoặc bệnh van tim. Thuốc cũng được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị cục máu đông ở các tĩnh mạch sâu bên trong cơ thể (huyết khối tĩnh mạch sâu), cũng như ngăn chặn các cục máu đông này di chuyển đến phổi (thuyên tắc phổi).
Ảnh minh họa: Thuốc chống đông máu làm chậm quá trình đông máu và ngăn ngừa cục máu đông
Hiện nay có 2 loại thuốc chống đông máu:
- Thuốc kháng vitamin K
- Các thuốc chống đông thế hệ mới đường uống (NOAC).
Nếu sử dụng thuốc chống đông kháng vitamin K thì bạn cần đến gặp bác sỹ định kỳ để làm xét nghiệm PT-INR (xét nghiệm kiểm tra đông máu) nhằm chỉnh liều lượng thuốc giúp đạt hiệu quả tốt nhất.
Người sử dụng thuốc chống đông máu cần lưu ý gì?
Tác dụng phụ của thuốc chống đông máu là chảy máu, bạn có thể gặp một số vấn đề như chảy máu lâu cầm khi bị thương. Bạn cần báo bác sĩ ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu quá liều thuốc dưới dây:
- Tự nhiên có mảng bầm tím dưới da
- Chảy máu chân răng tự nhiên
- Đi ngoài phân đen, hoặc đi ngoài ra máu
- Đi tiểu đỏ hoặc màu nâu
- Ho ra máu hoặc nôn ra máu
- Mất máu nhiều khi có kinh nguyệt
- Đau đầu dữ dội
Ảnh minh họa: Người dùng thuốc chống đông máu liên hệ ngay với bác sĩ khi gặp vấn đề sức khỏe
Khi dùng thuốc chống đông cũng cần lưu ý chế độ ăn uống và sinh hoạt.
- Đối với thuốc chống đông kháng vitamin K: Chế độ ăn rau xanh nên ổn định, cân bằng giữa các bữa, vì các loại rau có lá xanh, rau họ đậu, rau họ cải (rau diếp, hành lá, rau dền, đậu nành, cải xoong, củ cải, ...) có chứa nhiều vitamin K sẽ làm giảm tác dụng của thuốc chống đông kháng vitamin K.
- Không nên uống trà xanh, rượu hoặc nếu uống thì hỏi ý kiến của bác sĩ.
Nên tập thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên mỗi ngày ít nhất 30 phút như đi bộ, đạp xe, bơi... Không nên tập các môn thể dục có khả năng va đập sẽ tăng nguy cơ chảy máu. Thêm một lưu ý, thuốc chống đông có tương tác với một số loại thuốc như aspirin, acetaminophen, thuốc chống nấm, thuốc chống rối loạn nhịp…. Những loại thuốc này có thể làm giảm hoặc tăng tác dụng của thuốc chống đông. Do vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.