A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mối Liên Hệ Giữa Rung Nhĩ Và Nguy Cơ Đột Quỵ

Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Trái tim của chúng ta có hai phần bao gồm tâm nhĩ và tâm thất. Bình thường, tim đập đều đặn và nhịp nhàng theo các xung động phát ra từ nút xoang đi từ tâm nhĩ xuống tâm thất, ta gọi đây là nhịp xoang. Hiện tượng nút xoang đánh mất vai trò phát nhịp, tâm nhĩ phát ra rất nhiều xung động từ các ổ khác nhau, các xung động này không được dẫn truyền đều đặn và nhịp nhàng xuống tâm thất nữa gây ra rối loạn nhịp tim được gọi là rung nhĩ. Người bị rung nhĩ mới xuất hiện thường có biểu hiện hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác tim đập nhanh hoặc cảm giác khó chịu ở ngực. Tuy nhiên, khi rung nhĩ đã tiến triển thành mạn tính, người bệnh thường không cảm nhận được các triệu chứng đã mô tả ở trên.

ThS. BS. VĂN ĐỨC HẠNH

Khoa C1 (Hồi sức cấp cứu Tim Mạch) - Viện Tim mạch Quốc Gia

Asian young woman with acute chest pain from heart disease. Premium Photo

Ảnh minh họa: Triệu chứng rung nhĩ khi mới bắt đầu thường dễ nhận biết hơn

Rung nhĩ là một trong các rối loạn nhịp tim phổ biến nhất hiện nay. Số lượng người mắc rung nhĩ có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây trên toàn thế giới. Năm 2016, trên thế giới ghi nhận 43,6 triệu người mắc rối loạn nhịp nhĩ trong đó có rung nhĩ. Dự đoán đến năm 2060, số lượng người mắc rung nhĩ tiếp tục gia tăng không ngừng1.

Hậu quả của rung nhĩ rất nặng nề, nó không chỉ ảnh hưởng tới bệnh tật, tử vong mà còn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. So với người không bị rung nhĩ, người mắc rung nhĩ có nguy cơ tử vong cao gấp 1,5 đến 3,5 lần, suy giảm nhận thức cao gấp khoảng 1,4 lần và chứng tâm thần phân liệt cao gấp 1,6 lần. Rung nhĩ gây ra 20- 30% ca tai biến mạch não và làm giảm chất lượng cuộc sống của 60% bệnh nhân. Ngoài ra, rung nhĩ làm tăng nguy cơ suy tim, trầm cảm và làm tăng khả năng phải nhập viện để điều trị1.

Rung nhĩ hay gặp ở những người nào?

Các nhà khoa học thấy rằng nam giới cao tuổi là những yếu tố làm gia tăng khả năng mắc rung nhĩ. Ngoài ra, người bệnh có các tình trạng bệnh lý như bệnh động mạch vành, suy tim, bệnh van tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tình trạng bệnh lý viêm, béo phì, chứng tắc nghẽn đường thở khi ngủ, hút thuốc lá, uống nhiều rượu/bia, rối loạn lipid máu, lười vận động, tình trạng bệnh lý cấp tính… cũng là các yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc rung nhĩ1,2.

Tại sao rung nhĩ lại làm tăng nguy cơ đột quỵ?

Đột quỵ là một trong những biến chứng nặng nề nhất của rung nhĩ. Khi bị rung nhĩ, các thớ cơ tâm nhĩ không co bóp nhịp nhàng và dần dần bị giãn ra. Buồng tâm nhĩ giãn ra kết hợp với sự co bóp không đồng đều giữa các vùng cơ tâm nhĩ khác nhau làm cho dòng máu chảy từ tâm nhĩ xuống tâm thất không được nhịp nhàng từ đó dễ hình thành các cục máu đông trong tâm nhĩ. Khi các cục máu đông trong tâm nhĩ này được tạo ra và trôi theo dòng máu, nó sẽ có nguy cơ gây ra tắc mạch. Nếu cục máu đông trôi theo dòng máu tới não, động mạch não sẽ bị tắc và gây ra tai biến mạch não hoặc đột quỵ não. Nếu cục máu đông trôi theo dòng máu tới động mạch vành sẽ gây ra hiện tượng nhồi máu cơ tim. Nếu cục máu đông đi theo dòng máu tới động mạch chi, nó sẽ gây tắc động mạch chi…Trong thực hành lâm sàng, các bác sĩ sẽ tính thang điểm CHA2DS2-VASc để xác định khả năng mắc biến cố tắc mạch cho người bệnh. Người bị rung nhĩ có thang điểm này càng cao thì nguy cơ mắc các biến cố tắc mạch càng lớn. Các bác sĩ cũng sử dụng thang điểm này để đánh giá xem người bệnh đã cần sử dụng thuốc chống đông hay chưa và loại thuốc chống đông nào phù hợp nhất1. Thuốc chống đông là thuốc có khả năng giảm nguy cơ tắc mạch ở người bệnh rung nhĩ.

The medical team is practicing saving lives with models and using machines. defibrillator to save lives Premium Photo

Ảnh minh họa: Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ

Như vậy, rung nhĩ là một rối loạn nhịp nhĩ thường gặp với số lượng người mắc trên thế giới có xu hướng ngày càng cao. Có nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng nguy cơ mắc rung nhĩ như nam giới, tuổi cao, bệnh động mạch vành, suy tim, bệnh van tim, bệnh thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Biến cố tắc mạch trong đó có đột quỵ là một biến cố thường gặp nhưng rất nặng nề của người bệnh rung nhĩ. Người bệnh rung nhĩ cần được thăm khám y tế, đánh giá nguy cơ tắc mạch và được điều trị phù hợp để giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch.


Tài liệu tham khảo:

  1. Hindricks G, Potpara T, Dagres N và cộng sự. 2020 ESC Guidelines for the diagnosis and management of atrial fibrillation developed in collaboration with the European Association for Cardio-Thoracic Surgery (EACTS). European Heart Journal (2020) 42, 373-498.
  2. Oladirana O, Nwosub I. Stroke risk stratification in atrial fibrillation: a review of common risk factors.  Journal of community hospital internal medicine perspectives (2019), Vol. 9, No. 2, 113–120.

Tác giả: ThS. BS. Văn Đức Hạnh
Khoa C1 (Hồi sức cấp cứu Tim Mạch) - Viện Tim mạch Quốc Gia
Khoa C1 (Hồi sức cấp cứu Tim Mạch) - Viện Tim mạch Quốc Gia

Bài viết liên quan

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: CÁC NGUY CƠ THẦM LẶNG DẪN ĐẾN ĐỘT QUỴ NÃO
Tháng 01/2025
PGS. TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Tim TP.HCM, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM