Đầu tiên bạn nên tìm hiểu xem những vấn đề dinh dưỡng nào có thể gặp trên bệnh nhân sau đột quỵ?
1. Tình trạng nuốt khó, hít sặc: xuất hiện với tần suất khoảng 29 – 78%, có thể xuất hiện ở bệnh nhân sau đột quỵ, kéo dài từ vài ngày cho tới vài tuần, một số bệnh nhân có thể lâu hơn. Nuốt khó dẫn tới nguy cơ suy dinh dưỡng, mất nước và tình trạng hít sặc (có thể dẫn tới viêm phổi). Vì vậy mỗi bệnh nhân cần được đánh giá chức năng nuốt càng sớm càng tốt.
Bệnh nhân nuốt khó, có nguy cơ hít sặc cao, hoặc ăn đường miệng bị gián đoạn, tiên lượng không đảm bảo được dinh dưỡng trong vòng từ 5-7 ngày thì được chỉ định hỗ trợ nuôi dưỡng bằng ống thông mũi – dạ dày hoặc ống thông mũi – tá tràng.
Với những bệnh nhân tiên lượng không thể ăn đường miệng kéo dài, cân nhắc mở thông dạ dày qua da. Dịch nuôi dưỡng là thức ăn xay nhuyễn, sữa hoặc các sản phẩm sinh dưỡng bổ sung. Dịch nuôi được đưa vào bằng cách bơm theo từng đợt, nhỏ giọt chậm hoặc nhỏ giọt liên tục.
2. Tình trạng táo bón: xảy ra vì tình trạng nằm lâu kết hợp với chế độ ăn thiếu chất xơ dẫn đến nhu động ruột hoạt động kém hiệu quả. Táo bón kéo dài cũng ảnh hưởng đến việc ăn uống của người bệnh. Để cải thiện tình trạng này, có thể thực hiện những bài tập mát xa bụng theo chiều kim đồng hồ để kích thích nhu động ruột, tăng cường chất xơ trong chế độ ăn bằng việc sử dụng rau, củ mềm, xay nhuyễn, uống đủ nước, có thể sử dụng thuốc chống táo bón theo chỉ định của bác sỹ.
3. Tình trạng loét do tì đè: là tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi, nằm lâu, ít xoay người làm hạn chế hoạt động tưới máu đến một số vùng da của cơ thể. Bệnh nhân sau đột quỵ có nguy cơ cao xuất hiện các vết loét do hạn chế vận động cùng với tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, làm cho vết loét khó lành và tiến triển nặng. Cần bổ sung đủ năng lượng và protein hỗ trợ tổng hợp collagen và nitơ, những chất cần thiết hỗ trợ quá trình lành thương.
4. Mức năng lượng nên duy trì từ 25-35 kcal/kg/ngày, tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Tỷ lệ các chất sinh năng lượng phải cân bằng như chất đường, chất đạm (Chất đạm 1,2 – 1,5 gam/kg/ngày) và chất béo ( từ nguồn thực vật, giảm chất béo bão hòa < 10%, cholesterol < 300 gam).
Với các bệnh nhân đột quỵ thông thường nên lựa chọn khẩu phần ăn và chế biến sao cho dễ tiêu hóa, dễ hấp thu và ở dạng mềm, lỏng như: cơm nát, súp, cháo, sữa. Nên phân bố đều 3 - 4 bữa/ngày, không nên ăn quá no.
- Tránh dùng thức ăn lên men, gây kích thích như: gia vị cay nóng, rượu chè, cà phê.
- Khẩu phần ăn đủ nước 30-35 ml/kg/ngày, nước cần thiết trong trường hợp ăn qua ống sonde hoặc với đối tượng loét tì đè. Nên hạn chế uống nước với bệnh nhân suy tim và suy thận.
- Giảm muối trong khẩu phần ăn: hạn chế muối ở mức độ 4 - 5g/ngày (tương đương 1 muỗng cà phê muối). Tránh các loại thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như: dưa cà, hành muối, bánh mì, thịt hun khói, patê, xúc xích.
- Lưu ý bổ sung Chất xơ (rau xanh) và vitamin đầy đủ.
ThS. BS. Trần Thị Thanh Hà
Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Tim Hà Nội