1. Tôi sử dụng chống đông được 5 tháng nay nhưng mỗi 2 đến 4 tuần lại phải lên bệnh viện để xét nghiệm, rất bất tiện. Cho tôi hỏi các xét nghiệm trên có thật sự cần thiết? Có cách nào để không phải xét nghiệm không?

Bạn sử dụng thuốc chống đông và phải đi kiểm tra xét nghiệm máu định kỳ, có nghĩa là bạn đang sử dụng chống đông loại kháng vitamin K. Đây là xét nghiệm đánh giá hiệu quả của thuốc chống đông bạn đang sử dụng. Dựa vào kết quả xét nghiệm này, bác sĩ sẽ chỉnh lại liều thuốc chống đông của bạn để đạt được hiệu quả điều trị, do đó xét nghiệm này là cần thiết. Trường hợp bạn không muốn phải xét nghiệm, bạn có thể đề nghị với bác sĩ, bác sĩ sẽ xem xét bệnh lý cụ thể của bạn, và nếu có thể thì chuyển cho bạn sang sử dụng thuốc chống đông thế hệ mới đường uống (NOAC). Các thuốc NOAC này có liều thuốc cố định hàng ngày, hiệu quả tốt mà không cần phải đi xét nghiệm máu định kỳ để thay đổi liều thuốc.

ThS. BS. NGUYỄN PHƯƠNG ANH

C9 - Viện tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

2. Tôi bị rung nhĩ đã 3 năm nay, được chỉ định thuốc chống đông nhưng làm mất toa, khi ra nhà thuốc và nhờ tư vấn, tôi biết được có rất nhiều loại thuốc chống đông khác nhau, tôi rất bối rối? Bác sĩ cho tôi hỏi điểm khác nhau và ưu điểm của từng loại?

Hiện nay, có hai loại thuốc chống đông chính là thuốc kháng vitamin K và thuốc chống đông thế hệ mới đường uống (NOAC). Các thuốc kháng vitamin K có ưu điểm là giá thành thấp, nhược điểm là hay có tương tác với thức ăn giàu vitamin K và một số thuốc khác, phải đi xét nghiệm đông máu định kỳ để chỉnh liều thuốc. Các thuốc chống đông thế hệ mới đường uống (NOAC) có ưu điểm là dùng thuốc liều cố định 1-2 lần/ngày mà không cần đi xét nghiệm máu, ít tương tác với thức ăn và thuốc, tuy nhiên nhược điểm của nhóm thuốc này là giá thành cao.

ThS. BS. NGUYỄN PHƯƠNG ANH

C9 - Viện tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

3. Ba em đang bị rung nhĩ và đang điều trị hơn 2 năm nay mà em biết người bệnh cần sử dụng thuốc chống đông liên tục và không được bỏ thuốc. Vậy ba em cần sử dụng thuốc cho đến khi nào?

Khi ba bạn bị rung nhĩ, bác sỹ sẽ sử dụng thang điểm CHA2DS2-VASc để đánh giá nguy cơ huyết khối. Nếu nguy cơ huyết khối ở mức trung bình hoặc cao, ba bạn sẽ được sử dụng các thuốc chống đông nhằm mục đích phòng ngừa đột quỵ. Do rung nhĩ vẫn còn tồn tại và vẫn có nguy cơ huyết khối, ba bạn cần tiếp tục sử dụng chống đông hàng ngày, liên tục suốt quãng đời còn lại. Nếu trường hợp mắc thêm các bệnh lý làm tăng nguy cơ chảy máu như bệnh gan, bệnh thận.. thì cần lại báo cho bác sỹ để chỉnh liều thuốc.

ThS. BS. NGUYỄN PHƯƠNG ANH

C9 - Viện tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai 

4. Bác sĩ cho tôi hỏi đột quỵ có triệu chứng không?

Đột quỵ não có các triệu chứng rất dễ để người dân có thể nhận biết. Các triệu chứng đó là: đột ngột bị méo miệng lệch một bên. Và/hoặc đột ngột tê bì, yếu liệt tay, chân một bên. Và/hoặc đột ngột nói ngọng, nói khó. Và/hoặc đột ngột cảm thấy quay cuồng, chóng mặt dữ dội. Và/hoặc đột ngột nhìn đôi hoặc nhìn mờ. Khi phát hiện các triệu chứng này bạn cần xác định chính xác thời gian khởi phát và gọi cấp cứu 115 để đưa người bệnh đến cơ sở y tế chuyên về Đột quỵ nhanh nhất có thể.

ThS. BSNT NGUYỄN TIẾN DŨNG

Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai

5. Thi thoảng tôi cảm thấy chóng mặt, tay chân yếu và đôi khi mờ 1 bên mắt nhưng tầm 30p là trở lại bình thường? Tôi có bị bệnh không bác sĩ?

Các triệu chứng trên của người bệnh rất có thể là các triệu chứng Đột quỵ não. Vì vậy, tôi khuyên người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên sâu về Đột quỵ để được khám, chẩn đoán xác định cũng như tìm nguyên nhân đột quỵ, để có cách điều trị và dự phòng đúng nhất.

ThS. BSNT NGUYỄN TIẾN DŨNG

Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai

6. Đột quỵ có thể dùng các thuốc đông y để cho cấp cứu không?

Hiện nay, tất cả các khuyến cáo điều trị của các tổ chức Y tế uy tín chuyên sâu về Đột quỵ não trên thế giới chưa có hướng dẫn cụ thể về bất cứ loại thuốc Đông y nào cho người bệnh Đột quỵ. Vì vậy, chúng tôi không đủ bằng chứng khách quan để khuyên người bệnh nên dùng thuốc Đông y.

ThS. BSNT NGUYỄN TIẾN DŨNG

Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai

7. Gia đình em chuẩn bị có cháu thứ hai. Khi mang thai cháu đầu tiên em bị tiền sản giật, em nghe nói phụ nữ có tiền sử tiền sản giật có nguy cơ bị đột quỵ cao trong thai kỳ, như vậy có đúng không bác sĩ?

Đúng, tiền sản giật là tình trạng tăng huyết áp và ảnh hưởng đến thận (có đạm trong nước tiểu) khi bạn mang thai. Tình trạng này làm tăng nguy cơ đột quỵ cho phụ nữ về sau này, nhất là khi tiền sản giật xuất hiện sớm trước tuần 32 của thai kỳ. Do vậy ở lần mang thai này, bạn cần khám bác sĩ và theo dõi sức khoẻ thường xuyên để có biện pháp điều trị kịp thời. Ví dụ khi phát hiện tăng huyết áp trong lần mang thai thứ 2, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp để tránh các nguy cơ cho bạn, bao gồm cả đột quỵ.

ThS. BS. NGUYỄN HỮU TUẤN

C5 – Viện tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

8. Tôi đọc trên báo thấy mãn kinh sớm có liên quan tới bệnh tim và đột quỵ, như vậy có đúng không bác sĩ?

Phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh sẽ có nhiều thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể, đặc biệt là khi đó buồng trứng không tiết hóoc môn Estrogen. Hóoc môn này có tác dụng làm cho mạch máu được thư giãn và không bị co thắt. Đồng thời nó cũng giúp cho cơ thể cân bằng quá trình tổng hợp mỡ máu có lợi và mỡ máu có hại. Do vậy, nếu thiếu hụt hóoc môn này sẽ gây ra tình trạng tăng mỡ máu có hại làm xơ vữa mạch máu. Vì thế phụ nữ sau mãn kinh sẽ tăng nguy cơ bị đột quỵ và bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh động mạch vành.

ThS. BS. NGUYỄN HỮU TUẤN

C5 – Viện tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

9. Nếu tôi thường xuyên cáu giận, tôi có nguy cơ đột quỵ cao không bác sĩ?

Thường xuyên cáu giận có thể gây ra tình trạng tăng huyết áp cho bạn, và tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ của đột quỵ, ngoài ra, thường xuyên cáu giận có thể sẽ làm thay đổi hành vi của bạn theo hướng có hại như: bạn sẽ lười vận động, ăn uống không lành mạnh, hút thuốc,… Các yếu tố này sẽ góp phần làm nguy cơ đột quỵ cao hơn cho bạn.

ThS. BS. NGUYỄN HỮU TUẤN

C5 – Viện tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

10. Khi trúng gió thì người ta hay cạo gió nhưng lại có thể gây nguy hiểm nếu người bệnh bị tai biến đột quỵ vì triệu chứng hơi giống nhau. Vậy xin hỏi bác sĩ cách phân biệt triệu chứng của trúng gió và đột quỵ?

Chào bạn, đột qụy (tai biến mạch não) do mất đột ngột lưu lượng máu tới não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn dến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não. Đây là nguyên nhân gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác và trí nhớ, hôn mê và khả năng gây tử vong.

Nhiều người thường hay nhầm lẫn đột quỵ với trúng gió vì chúng có triệu chứng như nhau như nhức đầu, xây xẩm. Thật ra trúng gió (cảm mạo) là từ dùng để chỉ một người bất ngờ cảm lạnh, mệt mỏi, chóng mặt khi thay đổi thời tiết. Còn quá trình đột quỵ diễn ra rất nhanh, nếu như không được kịp thời phát hiện, cấp cứu và điều trị đúng cách thì nếu nặng sẽ dẫn đến tử vong, hoặc có may mắn qua khỏi thì cũng để lại nhiều di chứng.

Đột quỵ là bệnh lý hệ thần kinh phổ biến nhất hiện nay, đặc trưng bởi hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột, có hai dạng chính là nhồi máu não (tắc mạch) và chảy máu não (vỡ mạch). Nhồi máu não có thể do tắc mạch não hoặc nghẽn mạch não gây ra. Còn chảy máu não là hiện tượng máu thoát ra khỏi lòng mạch máu vào nhu mô não hoặc các tổ chức xung quanh.

Lúc này, máu không đến được những vùng chức năng quan trọng để nuôi não nên bệnh nhân nằm trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Khác với trúng gió, chúng ta tuyệt đối không nên “xoa dầu, cạo gió, bế thốc dậy” ở người đột quỵ vì dễ dẫn đến bệnh nặng nề hơn. Chúng ta nên đặt bệnh nhân nằm nghỉ trên giường với đầu nâng cao nhẹ và nhanh chóng gọi xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất điều trị kịp thời.

Chúc bạn khỏe!

PGS-TS Vũ Anh Nhị

Trưởng bộ môn Thần kinh Đại học Y dược TP HCM

11. Khi phát hiện dấu hiệu của đột quỵ não, cách sơ cứu đầu tiên là như thế nào? Người nhà bệnh nhân nên làm gì để đảm bảo an toàn?

Chào bạn, khi phát hiện dấu hiệu của đột quỵ bạn cần xử trí nguyên tắc xử lý ABC. ABC là 3 chữ cái đầu của 3 từ Airway (đường thở), Blood (máu), Circulation (tuần hoàn). 

- Thứ nhất là chữ A (Airway), là quan sát xem bệnh nhân còn thở hay không. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu ngừng thở hãy thực hiện các bước hô hấp nhân tạo để kích thích bệnh nhân hô hấp và tuần hoàn. Vì bệnh nhân chỉ cần ngưng thở khoảng 4 phút thôi thì bệnh nhân sẽ tử vong và não sẽ bị chết. Do đó, đường thở của bệnh nhân là hết sức quan trọng. bạn cần phải khai thông đường thở cho bệnh nhân bằng cách bạn xem có bị chướng ngại vật (như hàm răng giả) ở đường thở hay không và nới lỏng quần áo cho bệnh nhân dễ thở đặc biệt là bệnh nhân nữ. Nếu đường thở của bệnh nhân đã tốt không có bị nghẹt đàm, không có bị nghẹt đường thở thì chúng ta chuyển sang bước thứ 2 là Blood (máu), bạn quan sát xem bệnh nhân có chay máu ở đâu hay không. Nếu có nên tiến hành cầm máu cho bệnh nhân. Thứ 3 là Circulation, bạn quan sát, rờ vị trí mạch máu lớn xem mạch còn đập hay không. Nếu như mạch không còn đập nữa thì tiến hành cấp cứu, xoa bóp tim.

Bên cạnh đó, bạn lưu ý cần tránh với bệnh nhân bị tai biến:

- Không di chuyển bệnh nhân tới các vị trí khác. Trong trường hợp tai nạn, đầu hoặc cổ có thể bị gãy hoặc bị thương. Bạn cần để bệnh nhân trong tư thế thoải mái, nới lỏng quần áo.

- Không được phép cho người bệnh tai biến hoặc nghi ngờ tai biến ăn/uống bất kỳ thứ gì.  Cổ họng của họ có thể đã bị tê liệt và không còn khả năng nuốt.

- Không cạo gió, cắt lễ, cúng vái…

- Không nên cho người bệnh dùng aspirin vì thuốc cũng có khả năng gây chảy máu trong nếu là tai biến vỡ mạch máu não. Nếu người bệnh đã dùng thuốc, nên báo ngay lại với bác sĩ.

Chúc bạn luôn khỏe!

TS. BS. Trần Chí Cường

12. Làm sao để có thể nhận biết sớm các triệu chứng của tai biến – đột quỵ để giúp cho mình và người nhà phòng tránh được vậy bác sĩ?

Chào bạn, các triệu chứng của đột quỵ thường xảy ra đột ngột. Người bệnh có thể bị tê, yếu hoặc liệt hẳn ở một bên tay hoặc chân, đột nhiên giảm thị lực hoặc nói năng khó khăn, giảm khả năng phán đoán …  Một số người có thể có một số dấu hiệu báo trước vài giờ hoặc vài ngày trước khi tai biến xảy ra. Dấu hiệu nầy có thể là buồn nôn, chóng mặt, tê bì một bên tay hay chân hoặc một thoáng mất ý thức. Để đơn giản và dễ nhớ cho tất cả mọi người, trên thế giới người ta có 1 khẩu hiệu rất đơn giản đó là chữ ‘FAST’. ‘FAST’ là 4 chữ cái đầu của 4 từ Face (khuôn mặt), Arm (cánh tay), Speak (giọng nói) và Time (Thời gian). Nhằm giảm thiểu tác hại của đột quỵ, bạn nên biết rõ ‘FAST’ và hãy xử lý cấp cứu hoặc chuyển viện ngay nếu nhận ra người bên cạnh mình đột nhiên có một trong các triệu chứng nầy:

• Face: Khuôn mặt, chúng ta phát hiện ra tự nhiên nó méo 1 bên. Hoặc hãy thử mỉm cười thì người nầy không thể mỉm cười tự nhiên được.

• Arm: Hãy nâng 2 cánh tay hoặc 2 bàn tay lên. Người nầy không thể nâng 2 cánh tay hoặc yếu hoặc liệt hẳn 1 bên.

• Speak: Yêu cầu người đó nói một câu đơn giản. Ví dụ: Hôm nay trời đẹp. Người nầy không thể nói hoặc nói ngọng, nói không tròn tiếng.

• Time: Khi chúng ta phát hiện ra các triệu chứng trên thì chúng ta nên gọi ngay đến trung tâm cấp cứu và điều trị đột quỵ, càng sớm càng tốt.

Chúc bạn khỏe và phòng tránh được đột quỵ.

TS. BS. Trần Chí Cường

13. Tôi thấy hồi hộp trống ngực, đi khám được phát hiện rung nhĩ, như vậy có nguy hiểm không ? Tôi phải làm gì?

Bản thân rung nhĩ ít khi nguy hiểm chết người nhưng nó có thể dẫn tới một số biến chứng nặng nề. Các triệu chứng thường gặp của rung nhĩ gồm cảm giác hồi hộp, trống ngực, mệt mỏi, khó thở do suy tim, và nguy hiểm nhất là đột quỵ (méo miệng, liệt nửa người, có thể hôn mê và tử vong). Vì thế, nếu bạn đã được chẩn đoán là rung nhĩ, bạn cần phải tới bác sĩ để được khám và điều trị ngay

Trước hết, cần xác định xem rung nhĩ này do nguyên nhân gì, và sẽ tiến hành điều trị theo nguyên nhân. Ở Việt Nam, một tỉ lệ cao bệnh nhân gặp rung nhĩ do bệnh lý van tim do thấp (hẹp hai lá), nguyên nhân thứ 2 hay gặp là rung nhĩ do cường giáp, basedow. Bạn cần làm xét nghiệm hormon tuyến giáp để xem mình có bị cường giáp hay basedow không. Một nguyên nhân rung nhĩ nữa là cao huyết áp lâu ngày, bệnh suy tim người già, hoặc một số rối loạn chuyển hóa khác. Nếu bạn không mắc bệnh nào trong số những bệnh trên mà chỉ có rung nhĩ đơn thuần được gọi là rung nhĩ vô căn.

Trong mọi trường hợp rung nhĩ, bạn cần phải uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ. Khi bị rung nhĩ, bạn có nguy cơ cao hình thành cục máu đông trong buồng tim, điều này sẽ dẫn đến những nguy cơ tắc mạch não, mạch chi dẫn đến liệt nửa người, hoặc tàn phế. Uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa các biến chứng này.

Bạn cũng nên lựa chọn một lối sống có lợi cho sức khoẻ . Hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn về làm thế nào để ăn uống một cách khoa học, chọn một môn thể thao mà bạn yêu thích và vận động thể lực phù hợp, đều đặn.

Bạn có thể cảm thấy gia đình, bạn bè và đồng nghiệp không hiểu bạn bởi những triệu chứng của bệnh thường rất kín đáo và khó để cho mọi người thấy. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi trong các sinh hoạt bình thường, khi di du lịch hay khó tham gia vào các hoạt động mà bạn yêu thích. Bác sĩ của bạn sẽ giúp bạn có kế hoạch điều trị để kiểm soát tình trạng rung nhĩ. Điều này sẽ giúp bạn tiếp tục cuộc sống bình thường. Bạn nên cho gia đình và bạn bè biết về tình trạng bệnh của mình, kế hoạch điều trị và thay đổi lối sống cho phù hợp. Như vậy, những người thân xung quanh không những sẽ hiểu mà còn cổ vũ và động viên bạn để tìm cách chung sống với rung nhĩ.

Hội Tim Mạch Học Việt Nam

Link: http://www.vnha.org.vn/100answer.asp?id=47

14. Hút thuốc lá ảnh hưởng đến tim mạch như thế nào? Tôi đang hút thuốc nhưng muốn bỏ khó quá, có cách nào giúp bỏ thuốc lá không?

Khói thuốc có rất nhiều chất độc như nicotin, hắc ín, formaldehyt, cyanid… Hút thuốc lá không những làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, đột quỵ, ung thư mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý răng miệng, bệnh lý đường ruột, giảm khả năng tình dục…

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc và tử vong do bệnh lý tim mạch, các nguy cơ này tăng lên tỷ lệ thuận với khối lượng bạn hút thuốc và thời gian bạn hút thuốc. Nếu bạn muốn làm cho trái tim mình khỏe mạnh hơn hãy từ bỏ thói quen hút thuốc ngay lập tức.

Bỏ thuốc là không hề dễ dàng. Theo thống kê, có 70% người hút thuốc muốn bỏ thuốc lá nhưng chỉ có 5% số người này thành công. Vậy một số lời khuyên cho bạn khi bạn muốn bỏ thuốc thành công:

Bạn hãy nói với bác sỹ của bạn về việc bạn muốn bỏ hút thuốc và xin lời khuyên từ bác sỹ.

Sử dụng nicotine từ kẹo cao su, thuốc xịt họng để thay thế nicotin từ thuốc lá. Lưu ý không nên hút thuốc lá khi đang dùng nicotin thay thế.

Chọn một ngày đặc biệt để tiến hành bỏ hút thuốc và bạn kiên quyết với bản thân cũng như những người thân của bạn rằng bạn thực sự muốn bỏ thuốc

Nếu lần đầu bạn chưa bỏ thuốc lá thành công, bạn đừng từ bỏ quyết tâm của mình, nhiều người bỏ thuốc lá thành công sau vài lần cố gắng.

Hãy thay đổi thói quen hàng ngày, bạn hãy vứt gạt tàn thuốc lá đi, bạn hãy quyét dọn nhà của, giặt quần áo hoặc đi giã ngoại với gia đình, bạn bè.

Một đến ba tuần sau khi bỏ thuốc lá, bạn sẽ thấy bồn chồn, lo âu, khó chịu, khó ngủ, mất ngủ, thèm ăn nhiều, đau đầu… sau đó các triệu chứng đó hết dần.
Hội Tim Mạch Học Việt Nam
Link: http://www.vnha.org.vn/100answer.asp?id=47
15. Xuất huyết não là nguyên nhân chính của tai biến mạch máu não phải không bác sĩ?

Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) có 2 dạng chính: nhồi máu nãoxuất huyết não, dạng thứ 3 ít gặp hơn là cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua.

Loại đột quỵ do cục máu đông gây ra được gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ (hay nhồi máu não), và cho đến nay là loại phổ biến nhất, chiếm 87% tổng số trường hợp. Đột quỵ xuất huyết là dạng mạch máu bị suy yếu vỡ ra và chảy máu vào não, chèn ép các mô não xung quanh. Loại này chiếm khoảng 13% các trường hợp đột quỵ. Loại đột quỵ thứ 3, được gọi là đột quỵ nhỏ hoặc cơn thiếu não máu cục bộ thoáng qua (thường được viết tắt từ chữ tiếng Anh là TIA), là do cục máu đông tạm thời gây ra. Loại này nên được gọi đúng hơn là một cơn đột quỵ cảnh báo vì mặc dù chúng có thể chỉ kéo dài một hoặc hai phút, nhưng chúng là một lời cảnh tỉnh để bắt đầu thực hiện một số thay đổi lối sống và gặp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

BS. CKII. NGUYỄN TRỌNG LUẬT

KHOA NỘI TIM MẠCH – BV CHỢ RẪY

16. Tôi nghe nói tai biến mạch máu não rất nguy hiểm? Vậy tai biến mạch máu não là gì vậy bác sĩ?

Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) xảy ra khi một mạch máu vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến não bị tắc nghẽn do cục máu đông hoặc mạch máu bị vỡ. Khi một trong hai điều này xảy ra, não không nhận được lượng máu giàu oxy cần thiết và các tế bào não bắt đầu chết nhanh chóng. Đó là lý do tại sao việc nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ là rất quan trọng. Tai biến mạch máu não nếu không phát hiện và xử trí kịp thời sẽ để lại những di chứng nặng nề, thậm chí trong những trường hợp nặng dù phát hiện sớm, bệnh nhân vẫn có nguy cơ cao tử vong.

BS. CKII. NGUYỄN TRỌNG LUẬT

KHOA NỘI TIM MẠCH – BV CHỢ RẪY

17. Tôi bị bệnh xơ vữa động mạch, có thể chơi thể thao được không bác sĩ?

- Xơ vữa động mạch là sự tích tụ của chất béo, cholesterol và các chất khác trong và trên thành động mạch của bạn. Sự tích tụ này được gọi là mảng bám (mảng xơ vữa – plaque). Các mảng xơ vữa có thể khiến động mạch của bạn bị thu hẹp, cản trở sự lưu thông máu. Các mảng bám cũng có thể nứt hay vỡ ra, hình thành cục máu đông hay di chuyển đến vị trí khác gây tắc mạch máu. Thói quen sống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm diễn tiến của xơ vữa động mạch 

Thói quen sống lành mạnh đó là gì?

1. Bỏ hút thuốc lá

2. Ăn thực phẩm lành mạn

3. Duy trì cân nặng hợp lý

4. Thư giãn và giảm căng thẳng

5. Tập thể dục thường xuyên: giúp cải thiện lưu lượng máu, giảm huyết áp và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Tập thể dục như thế nào? tập thể dục ít nhất 30 phút trong hầu hết các ngày trong tuần. Nếu bạn không thể tập thể dục vào một buổi cố định, hãy thử chia nhỏ thành các khoảng thời gian 10 phút bất cứ lúc nào bạn thấy thích hợp. Bạn có thể đi cầu thang bộ thay vì thang máy, đi bộ xung quanh khu nhà hoặc thực hiện một số động tác ngồi hoặc chống đẩy trong khi xem tivi.

Như vậy bạn hoàn toàn yên tâm tập thể dục, chơi thể thao khi bạn bị xơ vữa động mạch nhé.

BS. CKII. NGUYỄN TRỌNG LUẬT

KHOA NỘI TIM MẠCH – BV CHỢ RẪY

18. Bố em bị nhồi máu não cách 1 năm hiện đã tự đi lại được, vậy bố em có cần phải uống tiếp thuốc theo đơn của bác sĩ không ạ?

Chào bạn! Đầu tiên chúc mừng bố bạn đã tập luyện và có kết quả phục hồi tốt. Tuy nhiên đột quỵ một lần không có nghĩa là đã hết nguy cơ, tỷ lệ tái phát ở bệnh nhân đột quỵ khá cao. Vì vậy bạn lưu ý vẫn phải tiếp tục đi khám định kỳ theo hẹn của bác sỹ. Các loại thuốc điều trị dự phòng đột quỵ tái phát vẫn phải duy trì sử dụng lâu dài và liều thuốc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ sau mỗi lần tái khám.

ThS. BS. Vũ Hồng Vân

Khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

19. Mẹ em bị xuất huyết não do tăng huyết áp, đã hồi phục hoàn toàn. Huyết áp thường 120-130, vậy mẹ em có thể đi tập thể dục buổi sáng như trước khi bị bệnh không ạ?

Chào bạn! Mẹ bạn vẫn có thể đi tập thể dục buổi sáng nhưng cần lưu ý một số điểm như sau: tránh gió lùa đột ngột khi mở cửa, không nên tập sớm khi thời tiết chuyển lạnh, không tập quá sức. Đồng thời bác cũng phải uống thuốc huyết áp thường xuyên đúng giờ và nên đo huyết áp 2 lần 1 ngày để duy trì mức huyết áp như trên.

ThS. BS. Vũ Hồng Vân

Khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

20. Ông em bị nhồi máu não nặng nằm tại giường, liệt 1 bên người phải, không nói được nhưng vẫn hiểu lời nói. Vậy trong trường hợp ông em bị tái phát, làm thế nào để có thể nhận biết được?

Chào bạn! Người nhà hoặc người chăm sóc cho ông bạn có thể nhận thấy đột quỵ tái phát qua một trong các dấu hiệu sau:

- Ý thức chậm hơn: nói bệnh nhân không hiểu hoặc lay gọi không phản ứng, đại tiểu tiện không tự chủ.

- Liệt nửa người bên phải nhiều hơn. Ví dụ thông thường tay phải hoặc chân có thể cử động được một chút nhưng đột nhiên hoàn toàn không cử động được hoặc liệt thêm nửa người trái hoặc không kiểm soát được thức ăn hay nước dãi chảy ra 1 bên…

ThS. BS. Vũ Hồng Vân

Khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

21. Bệnh đột quỵ có di truyền không?

Đột quỵ bao gồm các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được và các yếu tố nguy cơ không kiểm soát được. Các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được đa phần liên quan lối sống và không do di truyền: như béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá,.. Trong khi một số yếu tố nguy cơ không kiểm soát được có thể có tính di truyền như một số dị dạng mạch máu não, bệnh mạch máu não CADASIL, CARASIL…, do gen, tăng lipid máu do di truyền, một số bệnh lý tăng đông di truyền,...

Để biết rõ hơn việc trong gia đình có một người đột quỵ và lo ngại rằng các thành viên trong gia đình có thể bị di truyền thì tùy theo từng trường hợp cũng như qua thăm khám và tầm soát các nguyên nhân gây đột quỵ, bác sĩ có thể cho bạn câu trả lời rõ ràng nhất.

BS. CKII. Phạm Thị Ngọc Quyên

Đơn vị Đột Quỵ- Bệnh viện Đại Học Y Dược Tp Hồ Chí Minh

22. Bác sĩ cho em hỏi khả năng phục hồi trở lại bình thường của bệnh nhân đột quỵ có cao không ạ?

Khả năng phục hồi bình thường của người bệnh đột quỵ tuỳ thuộc nhiều yếu tố, và cá thể hoá theo từng người bệnh. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi bao gồm: cơ địa, lọai đột quỵ, mức độ nặng của đột quỵ, tuổi tác, bệnh lý đi kèm, việc tuân thủ điều trị, cường độ tập luyện phục hồi chức năng,.. Thông thường, từ 3 đến 6 tháng đầu sau đột quỵ là khoảng thời gian người bệnh có khả năng phục hồi tốt nhất nếu không bị tái phát.

BS. CKII. Phạm Thị Ngọc Quyên

Đơn vị Đột Quỵ- Bệnh viện Đại Học Y Dược Tp Hồ Chí Minh

23. Bố em năm nay 45 tuổi, bỗng dưng 1 tuần nay nói ngọng và khó phát âm. Bác sĩ có thể cho em biết bố em đang bị bệnh gì không ạ?

Một người bình thường đột ngột bị rối loạn phát âm/ nói khó mà không kèm chấn thương vùng hầu họng thì khả năng đầu tiên cần nghĩ đến là Đột quỵ. Bên cạnh đó có thể là do một số bệnh lý liên quan thần kinh - cơ khác. Để chẩn đoán chính xác có phải đột quỵ hay không, nếu có thì là loại đột quỵ nào thì bố em cần đến khám bác sĩ chuyên khoa Thần Kinh để được đánh giá & tư vấn chọn cận lâm sàng phù hợp.

BS. CKII. Phạm Thị Ngọc Quyên

Đơn vị Đột Quỵ- Bệnh viện Đại Học Y Dược Tp Hồ Chí Minh

24. Chồng em năm nay 40 tuổi, bị đột quỵ và xuất viện cách đây 2 tháng. Mọi hoạt động sinh hoạt, ăn uống và trí nhớ bình thường, nhưng anh ấy bị mờ 1 mắt bên phải. Vậy tình trạng này có thể phục hồi được không bác sỹ?

Đột quỵ là tình trạng não bị tổn thương do không được cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng kịp thời, thường xảy ra khi mạch máu não bị tắc hay bị vỡ. Các triệu chứng của đột quỵ như: liệt mặt, méo miệng, nói khó, nuốt khó, tê yếu nửa người, mờ mắt, mất trí nhớ... tùy thuộc vào mức độ tổn thương ở não cũng như vị trí động mạch chi phối bị ảnh hưởng.

Mờ mắt vừa có thể là triệu chứng, vừa là một di chứng của đột quỵ. Nguyên nhân chủ yếu do tắc động mạch võng mạc, dẫn đến không có máu lưu thông đến võng mạc, khiến chức năng thị giác bị tổn thương làm nhiễu loạn thông tin hình ảnh, làm người bệnh không thể nhìn hoặc nhìn mờ, mất một nửa phần nhìn (chỉ nhìn thấy 1 nửa cảnh vật), nhìn một thành hai, nhạy cảm với ánh sáng, thậm chí ảo giác...

Theo các chuyên gia về mắt, với triệu chứng nhìn mờ, người bệnh thường được điều trị bằng phương pháp thở oxy cao áp và massage mắt. Tuy nhiên, nhìn mờ do đột quỵ thường khó chữa trị. Các phương pháp này chỉ có hiệu quả khi người bệnh đến sớm trước 12 tiếng, tốt nhất là 2 tiếng sau khi tắc động mạch trung tâm võng mạc. Với tình trạng mắt mờ sau 2 tháng bị đột quỵ như mô tả, bệnh nhân nên đến chuyên khoa mắt để khám và có hướng điều trị phù hợp nhất.

ThS. BS. Trần Thị Thanh Hà

Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Tim Hà Nội

25. Đối với người nhà bị bệnh đột quỵ thì có cần phải sơ cứu trước khi cấp cứu không ạ?

Đột quỵ thường xảy ra bất ngờ tại nhà hoặc cơ quan làm việc. Phần lớn người dân chưa có kiến thức sơ cứu ban đầu dẫn đến xử trí sai lầm, gây hậu quả nặng nề về sau cho bệnh nhân bị đột quỵ. Người ta thường đồn nhau sử dụng phương thức dân gian như cho uống an cung ngưu hoàng, trích máu, nặn máu ở đầu ngón tay, dái tai, bấm huyệt, châm cứu ...mà không đưa bệnh nhân tới bệnh viện ngay. Nhiều gia đình đưa bệnh nhân bị đột quỵ đến muộn, bỏ lỡ thời gian vàng (3-4,5 giờ) có thể can thiệp tái tưới máu, cứu được vùng tổn thương não, giảm bớt di chứng cho não, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống lâu dài.

Sơ cứu tại chỗ đúng cách cho người bị đột quỵ là cần thiết nhưng bản thân người thực hiện cần có kiến thức sơ cứu hiệu quả. Thực hiện sai có thể khiến não tổn thương nghiêm trọng hơn, đe dọa đến tính mạng và gây di chứng sau này.

Việc cần làm đầu tiên sau khi phát hiện người bệnh đột quỵ là cần gọi người trợ giúp và xe cấp cứu ngay lập tức. Quan sát nếu bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu nôn mửa, suy giảm ý thức, đổi sang tư thế nằm nghiêng an toàn hơn. Đây là tư thế được khuyến cáo trong hồi sức cấp cứu do giúp bảo vệ đường thở cho bệnh nhân cũng như các biến chứng khiến họ hít phải chất nôn gây bít tắc đường thở, suy hô hấp nguy hiểm. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cố gắng trò chuyện với bệnh nhân, hỗ trợ bệnh nhân nằm ở tư thế thoải mái nhất. Ngoài ra, tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống hoặc dùng thuốc như các thuốc hạ áp khẩn cấp, các thuốc không có chỉ định cho người bệnh.

ThS. BS. Trần Thị Thanh Hà

Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Tim Hà Nội

26. Bác sỹ cho em hỏi về khẩu phần ăn của bệnh nhân sau đột quỵ ạ?

Đầu tiên bạn nên tìm hiểu xem những vấn đề dinh dưỡng nào có thể gặp trên bệnh nhân sau đột quỵ?

1. Tình trạng nuốt khó, hít sặc: xuất hiện với tần suất khoảng 29 – 78%, có thể xuất hiện ở bệnh nhân sau đột quỵ, kéo dài từ vài ngày cho tới vài tuần, một số bệnh nhân có thể lâu hơn. Nuốt khó dẫn tới nguy cơ suy dinh dưỡng, mất nước và tình trạng hít sặc (có thể dẫn tới viêm phổi). Vì vậy mỗi bệnh nhân cần được đánh giá chức năng nuốt càng sớm càng tốt.

Bệnh nhân nuốt khó, có nguy cơ hít sặc cao, hoặc ăn đường miệng bị gián đoạn, tiên lượng không đảm bảo được dinh dưỡng trong vòng từ 5-7 ngày thì được chỉ định hỗ trợ nuôi dưỡng bằng ống thông mũi – dạ dày hoặc ống thông mũi – tá tràng.

Với những bệnh nhân tiên lượng không thể ăn đường miệng kéo dài, cân nhắc mở thông dạ dày qua da. Dịch nuôi dưỡng là thức ăn xay nhuyễn, sữa hoặc các sản phẩm sinh dưỡng bổ sung. Dịch nuôi được đưa vào bằng cách bơm theo từng đợt, nhỏ giọt chậm hoặc nhỏ giọt liên tục.

2. Tình trạng táo bón: xảy ra vì tình trạng nằm lâu kết hợp với chế độ ăn thiếu chất xơ dẫn đến nhu động ruột hoạt động kém hiệu quả. Táo bón kéo dài cũng ảnh hưởng đến việc ăn uống của người bệnh. Để cải thiện tình trạng này, có thể thực hiện những bài tập mát xa bụng theo chiều kim đồng hồ để kích thích nhu động ruột, tăng cường chất xơ trong chế độ ăn bằng việc sử dụng rau, củ mềm, xay nhuyễn, uống đủ nước, có thể sử dụng thuốc chống táo bón theo chỉ định của bác sỹ.

3. Tình trạng loét do tì đè: là tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi, nằm lâu, ít xoay người làm hạn chế hoạt động tưới máu đến một số vùng da của cơ thể. Bệnh nhân sau đột quỵ có nguy cơ cao xuất hiện các vết loét do hạn chế vận động cùng với tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, làm cho vết loét khó lành và tiến triển nặng. Cần bổ sung đủ năng lượng và protein hỗ trợ tổng hợp collagen và nitơ, những chất cần thiết hỗ trợ quá trình lành thương.

4. Mức năng lượng nên duy trì từ 25-35 kcal/kg/ngày, tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Tỷ lệ các chất sinh năng lượng phải cân bằng như chất đường, chất đạm (Chất đạm 1,2 – 1,5 gam/kg/ngày) và chất béo ( từ nguồn thực vật, giảm chất béo bão hòa < 10%, cholesterol < 300 gam).

Với các bệnh nhân đột quỵ thông thường nên lựa chọn khẩu phần ăn và chế biến sao cho dễ tiêu hóa, dễ hấp thu và ở dạng mềm, lỏng như: cơm nát, súp, cháo, sữa. Nên phân bố đều 3 - 4 bữa/ngày, không nên ăn quá no.

- Tránh dùng thức ăn lên men, gây kích thích như: gia vị cay nóng, rượu chè, cà phê.

- Khẩu phần ăn đủ nước 30-35 ml/kg/ngày, nước cần thiết trong trường hợp ăn qua ống sonde hoặc với đối tượng loét tì đè. Nên hạn chế uống nước với bệnh nhân suy tim và suy thận.

- Giảm muối trong khẩu phần ăn: hạn chế muối ở mức độ 4 - 5g/ngày  (tương đương 1 muỗng cà phê muối). Tránh các loại thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như: dưa cà, hành muối, bánh mì, thịt hun khói, patê, xúc xích.

- Lưu ý bổ sung Chất xơ (rau xanh) và vitamin đầy đủ.

ThS. BS. Trần Thị Thanh Hà

Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Tim Hà Nội

27. Người bị đột quỵ có nguy cơ bị đột quỵ lần 2 không Bác sĩ?

Chào bạn, cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Người đã từng bị đột quỵ vẫn có nguy cơ bị đột quỵ lần 2. Theo thống kê của các tổ chức y tế thì nguy cơ bị đột quỵ lần 2 là 7,4% trong 1 năm đầu tiên và 19,4% trong 5 năm. Vậy nên người bệnh sau đột quỵ cần tuân thủ các hoạt động tập luyện phục hồi tại nhà, chế độ ăn uống hợp lý để giữ sức khỏe, phòng ngừa nguy cơ đột quỵ lần 2.

TS. BS. Tường Vân Anh

Khoa Nội A – Bệnh viện Hữu Nghị

28. Bác sĩ có thể cho em xin địa chỉ của một trung tâm phục hồi chức năng cho người bị đột quỵ không ạ?

Chào bạn, hiện nay tại các bệnh viện đều có trung tâm phục hồi chức năng cho người đột quỵ. Một số bệnh viện đầu ngành như Bệnh viện Bạch Mai, Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô,… Bạn cũng có thể tìm kiếm thông tin trên Internet để chọn một bệnh viện gần nhà, thuận tiện cho việc di chuyển và lịch trình phục hồi định kỳ của người bệnh.

Hiện nay Cục Quản lý, Khám chữa bệnh có cập nhật danh sách Trung Tâm Đột quỵ, bạn có thể tham khảo đường link phía dưới:

https://dotquy.kcb.vn/co-so-dieu-tri

TS. BS. Tường Vân Anh

Khoa Nội A – Bệnh viện Hữu Nghị

29. Bác sĩ có thể cho tôi hỏi các thông số sức khỏe nào mình cần theo dõi để giúp người nhà ngăn ngừa cơn đột quỵ lần thứ 2?

Bệnh nhân sau đột quỵ cần theo dõi tại nhà các chỉ số huyết áp, nhịp tim, cân nặng, glucose máu mao mạch và đái tháo đường kèm theo nếu có.

Khám định kỳ hàng tháng để phát hiện các bất thường về tim mạch (rung nhĩ, tăng huyết áp…), về chỉ số xét nghiệm máu: glucose, mỡ máu, đông máu (nếu đang dùng thuốc chống đông)…

TS. BS. Tường Vân Anh

Khoa Nội A – Bệnh viện Hữu Nghị

30. Ba em bị liệt nửa người bởi đột quỵ cách đây 3 năm. Từ lúc đó ba ít nói hơn trước và thường nóng giận vô cơ. Đó có phải là biến chứng của đột quỵ không ạ?

Thực tế nên gọi đây là di chứng hay hậu quả sau đột quỵ. Như đã nói từ trước, tỷ lệ di chứng rất cao, hay gặp nhất là tình trạng liệt vận động, đột ngột mất khả năng vận động làm bệnh nhân đối diện với tâm lý căng thẳng kéo dài. Đồng thời hoạt động phục vụ nhu cầu cơ bản cũng giảm đáng kể khiến bản thân bệnh nhân tự cho mình là người vô dụng. Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ có biểu hiện sắc thái tâm lý tình trạng nóng giận vô cớ. Hãy động viên tinh thần để ba bạn có thể suy nhĩ tích cực, vui vẻ hơn.

TS. BS. Đỗ Văn Chiến

Bệnh viện trung ương Quân đội 108

31. Mẹ em đang tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng sau đột quỵ, nhưng đã 6 tháng rồi mà em không thấy tiến triển nhiều, mẹ vẫn không đi lại được. Bác sĩ cho em hỏi mẹ em có khả năng hồi phục được không ạ?

Khả năng hồi phục thần kinh phụ thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương cũng như hiệu quả cấp cứu ban đầu. Tuy nhiên đa phần các tổn thương thần kinh đòi hỏi thời gian hồi phục khá lâu, 1 vài tháng có khi lên đến hàng năm trời. Các liệu pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng là biện pháp điều trị hỗ trợ. Do vậy thời gian tiến triển chậm rãi, tỉ lệ phục hồi hoàn toàn không thể chắc chắn, nhưng là biện pháp phục hồi 1 phần cần có giúp bệnh nhân thích nghi với hoạt động trong tình trạng giảm chức năng sau đột quỵ.

TS. BS. Đỗ Văn Chiến

Bệnh viện trung ương Quân đội 108

32. Tôi đang sử dụng thuốc kháng đông, dạo gần đây tôi thấy chảy máu nướu khi đánh răng và đi cầu phân đen. Bác sĩ cho tôi hỏi có phải đó là tác dụng phụ của thuốc không? Tôi có phải ngừng thuốc hay không?

Thưa bác, tình trạng chảy máu nướu sau khi đánh răng và đi cầu phân đen khi đang sử dụng thuốc kháng đông là dấu hiệu của tình trạng xuất huyết, đây là một tác dụng bất lợi của thuốc chống đông. Bởi vì sử dụng thuốc kháng đông sẽ làm cơ thể khó cầm máu hơn so với người không dùng thuốc. Điều này sẽ gây ra tình trạng xuất huyết từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng như bầm tím dưới da, chảy máu ở chân răng hoặc chảy máu ở mũi, nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc nâu đen, ở phụ nữ có tình trạng rong kinh, rong huyết. Nặng hơn có thể gây ra tình trạng ói máu, đi cầu phân đen, xuất huyết trong não có thể dẫn đến tử vong. Tình trạng này thường xảy ra khi bệnh nhân uống thuốc không đúng cách, chế độ ăn không thích hợp hoặc sử dụng thêm các loại thuốc khác làm tăng nguy cơ chảy máu.

Khi bị xuất huyết, bác cần thông báo hoặc đến khám ngay với bác sĩ điều trị của mình để có đánh giá ban đầu, thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Sau đó bác sĩ sẽ quyết định có nên tiếp tục dùng thuốc kháng đông hay không.

BS. CKI. Trần Thanh Tuấn

Bệnh viện Đại Học Y Dược 1

33. Khi sử dụng nhóm thuốc kháng đông có phải tất cả các bệnh nhân đều cần điều chỉnh chế độ ăn uống hay không?

Thưa bác. Tuỳ theo loại thuốc kháng đông chúng ta đang sử dụng mà sẽ có sự điều chỉnh chế độ ăn thích hợp. Các thuốc như Rivaroxaban, Dabigatran sẽ không bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống nên bệnh nhân không cần lo lắng quá nhiều. Tuy nhiên với nhóm thuốc kháng vitamin K thì cần phải ghi nhớ một số lưu ý đặc biệt. Vì vitamin K có nhiều trong các loại rau xanh, súp lơ, củ cải trắng… nên sử dụng nhiều trong thực đơn hàng ngày sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc. Do đó nếu bác đang dùng thuốc kháng vitamin K như Sintrom hay Warfarin thì bác cần tránh các loại thực phẩm trên.

BS. CKI. Trần Thanh Tuấn

Bệnh viện Đại Học Y Dược 1

34. Bà em năm nay 60 tuổi hay bị hồi hộp đánh trống ngực. Khi khám thì phát hiện rung nhĩ, vậy có nguy hiểm không?

Rung nhĩ có thể gây ra triệu chứng hồi hộp trống ngực, cảm giác khó chịu… nhưng nguy cơ thực sự nguy hiểm của rung nhĩ là có thể dẫn đến đột quỵ. Ngay cả khi không có triệu chứng gì đáng kể hoặc chỉ bị rung nhĩ cơn xen kẽ với những thời điểm nhịp tim bình thường thì căn bệnh này vẫn có thể làm gia tăng nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý tim mạch liên quan, ví dụ như suy tim. Do đó bạn nên đưa bà đến khám chuyên khoa Tim mạch để bác sĩ tư vấn trực tiếp về chế độ điều trị phù hợp nhằm ngăn ngừa những biến chứng khó lường của bệnh.

ThS. BS. Nguyễn Thị Quỳnh Trang

Bệnh viện Tim Hà Nội

35. Tôi năm nay 37 tuổi. Khi tập thể thao hay vận động quá sức, tôi bị đánh trống ngực, bác sĩ cho tôi biết là tôi bị bệnh gì?

Đối với tình trạng trên, bạn nên thực hiện xét nghiệm điện tâm đồ (một xét nghiệm giúp ghi lại các tín hiệu điện học trong tim) để chuẩn đoán bệnh chính xác nhất. Khi đến các chuyên khoa Tim mạch, bác sĩ sẽ cho đeo Holter điện tâm đồ (một dạng theo dõi điện tim liên tục trong thời gian dài, thường từ 24-48 giờ) để phát hiện ra những rối loạn nhịp có thể gặp. Hoặc làm điện tâm đồ gắng sức, ví dụ chạy bộ trên thảm chạy, để theo dõi khi bạn gắng sức điện tâm đồ biến đổi như thế nào. Phương pháp này giúp phát hiện nhịp tim có tăng tương ứng với từng giai đoạn gắng sức hay không, có xuất hiện rung nhĩ, ngoại tâm thu, cơn tim nhanh hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào của điện tim khi gắng sức hay không.

Bên cạnh đó bạn cũng có thể sử dụng một số thiết bị cá nhân, như đồng hồ thông minh có tính năng theo dõi điện tâm đồ. Dựa vào kết quả ghi được, bác sĩ sẽ có kết luận cụ thể đối với tình trạng của bạn.

ThS. BS. Nguyễn Thị Quỳnh Trang

Bệnh viện Tim Hà Nội

36. Mẹ em hay bị hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, bác sĩ cho em hỏi đó có phải triệu chứng của bệnh tim mạch không?

Hồi hộp trống ngực là cảm giác tim đập quá nhanh hoặc quá mạnh, lệch nhịp hoặc không đều. Tình trạng có thể xảy ra do căng thẳng, lo lắng; do dùng nhiều cà phê, nicotin, rượu hoặc hay gặp ở phụ nữ có thai. Tuy nhiên, hồi hộp trống ngực kèm khó thở có thể là những dấu hiệu của bệnh lý rối loạn nhịp tim hay một bệnh lý tim tiềm ẩn liên quan. Nếu mẹ bạn có tiền sử bệnh tim hoặc đánh trống ngực xảy ra thường xuyên, hồi hộp trống ngực kèm theo khó thở, ngất, chóng mặt, đau tức ngực thì nên đến khám trực tiếp với bác sĩ tim mạch. Điều này sẽ giúp phát hiện sớm tình trạng đánh trống ngực của mẹ bạn có phải do các vấn đề nghiêm trọng về tim hay không. Nếu có nguyên nhân gây ra hồi hộp trống ngực, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị thích hợp giúp làm giảm hoặc không còn hồi hộp nữa.

ThS. BS. Nguyễn Thị Quỳnh Trang

Bệnh viện Tim Hà Nội