A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những Điều Cần Biết Về Thuốc Kháng Đông Ở Bệnh Nhân Rung Nhĩ

Tổng số điểm của bài viết là: 48 trong 12 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim thường gặp nhất và có tỷ lệ mắc tăng lên theo tuổi. Khoảng 1% các trường hợp rung nhĩ xảy ra ở các bệnh nhân dưới 60 tuổi trong khi đó có đến 12% ở tuổi từ 75 - 84 và thậm chí tới hơn 1/3 số bệnh nhân từ 80 tuổi trở lên có rung nhĩBiến chứng đáng sợ nhất của rung nhĩ là đột quỵ dạng thiếu máu não cục bộ (nhồi máu não) có thể gây ra tử vong nếu không chẩn đoán và xử trí kịp thời. Thuốc kháng đông là biện pháp điều trị quan trọng để giảm tỷ lệ đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ.

ThS.BS. TRẦN CÔNG DUY

Giảng viên Bộ môn Nội Tổng Quát

Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

Ảnh minh họa: Thuốc kháng đông là biện pháp điều trị quan trọng để giảm tỷ lệ đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ

1. Vai trò của thuốc kháng đông ở bệnh nhân rung nhĩ

Rung nhĩ làm tăng 5 lần nguy cơ đột qu và tỷ lệ này còn tiếp tục tăng theo tuổi. Rung nhĩ làm rối loạn sự co bóp của cơ tim ở tâm nhĩ, làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông trong tâm nhĩ, thường khởi phát từ tiểu nhĩ trái. Cục máu đông ở buồng nhĩ di chuyển theo máu đến gây tắc nghẽn các động mạch trong não và động mạch ngoại biên như động mạch thận, lách, mạc treo, chi … Khi huyết khối làm tắc nghẽn kéo dài động mạch cung cấp máu cho não, các tế bào não sẽ chết đi và biểu hiện triệu chứng đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ.

Các thuốc kháng đông có tác dụng ức chế các yếu tố đông máu, ngăn ngừa hình thành huyết khối ở tâm nhĩ và giảm tỷ lệ đột quỵ (hơn 50%). Thuốc kháng đông gồm có các loại đường tiêm (tiêm dưới da hoặc tĩnh mạch) và đường uống. Nếu như thuốc kháng đông đường tiêm (heparin) chỉ được sử dụng ngắn hạn trong điều trị nội trú tại bệnh viện, các thuốc kháng đông đường uống được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng dài hạn để phòng ngừa đột quỵ ở những bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ trung bình hoặc cao.

Thuốc kháng vitamin K (warfarin và acenocoumarol) là thuốc kháng đông đường uống được sử dụng từ những năm 1950 để dự phòng đột qu các bệnh nhân rung nhĩ. Ngày nay, các thuốc kháng đông đường uống thế hệ mới như Rivaroxaban, Dabigatran, Apixaban và Edoxaban được sử dụng rộng rãi hơn thuốc kháng vitamin K ở các bệnh nhân không có hẹp van hai lá trung bình đến nặng hoặc không có van tim nhân tạo cơ học vì có nhiều ưu điểm: hiệu quả phòng ngừa đột quỵ và tắc mạch ngoại biên tương đương hoặc ưu việt hơn thuốc kháng vitamin K, khởi phát tác dụng nhanh, không cần theo dõi thời gian đông máu một cách thường xuyên, ít tác dụng phụ chảy máu, ít tương tác với thức ăn và ít tương tác với các thuốc khác.

2. Hậu quả của ngưng đột ngột thuốc kháng đông không theo hướng dẫn của bác sĩ

Ở các bệnh nhân rung nhĩ với nguy cơ đột quỵ trung bình hoặc cao, việc tự ý ngưng đột ngột thuốc kháng đông đường uống có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Quá trình đông máu trong cơ thể vốn đang bị ức chế bởi thuốc kháng đông có thể sẽ tăng đông máu nhiều hơn ngay lập tức khi ngưng đột ngột thuốc kháng đông. Ngoài ra, khi không còn dùng thuốc kháng đông, tình trạng rối loạn co bóp ở tâm nhĩ của tim dễ dẫn đến hình thành cục máu đông ở buồng nhĩ, cục máu đông này có thể trôi theo dòng máu làm tắc các động mạch ở não gây ra đột quỵ, thuyên tắc các động mạch ngoại biên và có thể tử vong. Việc ngưng đột ngột thuốc kháng đông có thể gây ra một số triệu chứng “cai thuốc” như đau đầu, mệt mỏi, hoa mắt, đau đầu, đau lưng, đánh trống ngực, huyết áp cao, yếu chân, khô môi, rối loạn cảm xúc (trầm cảm, lo âu, khó tập trung, rối loạn giấc ngủ) …

3. Những điều cần biết khi sử dụng thuốc kháng đông

Nếu là bệnh nhân rung nhĩ và đang được bác sĩ chỉ định uống thuốc kháng đông, bạn cần lưu ý những điều sau trong quá trình sử dụng thuốc:

Tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ

Bạn cần uống thuốc đều đặn, đúng liều lượng vào thời điểm cố định trong ngày. Bạn không được ngưng sử dụng thuốc đột ngột vì bất cứ lý do gì nếu chưa có ý kiến của bác sĩ. Nếu quên uống thuốc và nhớ ra trong ngày, bạn có thể uống liều bị bỏ quên trong vòng 8 giờ sau giờ dùng thường ngày. Nếu vượt quá thời gian này, tốt nhất nên bỏ qua liều đã quên, dùng liều tiếp theo vào giờ dự kiến thông thường, không uống gấp đôi liều để bù cho liều thuốc đã quên. Nếu quên liên tiếp 2 liều nên hỏi ý kiến bác sĩ. Bạn nên nhớ tái khám thường xuyên theo đúng hẹn của bác sĩ.

Ảnh minh họa: Sử dụng thuốc kháng đông đúng theo chỉ định của bác sĩ

Theo dõi tác dụng phụ của thuốc kháng đông

Bạn cần theo dõi các triệu chứng chảy máu có thể gặp của thuốc kháng đông và tái  khám ngay nếu có các dấu hiệu sau: nôn ra máu, tiêu phân đen sệt hoặc lẫn máu; ho ra máu; chảy máu chân răng; chảy máu mũi; nước tiểu có máu, màu đỏ, nâu hoặc hồng; bầm tím dưới da thường xuyên; chảy máu trong chu kì kinh nguyệt nhiều và kéo dài hơn bình thường; chảy máu không cầm được ở vết thương; đau bụng, chóng mặt hoặc đau đầu dữ dội; yếu liệt nửa người …

Tránh các hoạt động có nguy cơ chảy máu

Bạn cần tránh các hoạt động mạnh hoặc các môn thể thao mạnh, đối kháng có nguy cơ chấn thương và chảy máu. Bạn nên chơi các môn thể thao an toàn như đi bộ, chạy bộ, bơi lội Lập tức đi khám ngay khi bị chấn thương, ngã, tai nạn, đặc biệt là tai nạn vùng đầu, và thông báo với nhân viên y tế rằng bạn có dùng thuốc kháng đông. Cẩn thận khi sử dụng các vật sắc nhọn như dao, kéo hoặc khi cắt móng tay, móng chân.

Vệ sinh răng miệng

Bạn cần chăm sóc răng miệng cẩn thận, nên dùng bàn chải mềm, dao cạo râu điện, chỉ nha khoa; không dùng tăm xỉa răng để tránh chảy máu vùng răng miệng. Nên đi khám nha khoa định kỳ. Bạn luôn thông báo cho nhân viên y tế rằng bạn đang dùng thuốc kháng đông khi khám bệnh, nhổ răng, phẫu thuật hoặc làm bất cứ thủ thuật nhỏ nào.

Lưu ý sử dụng các thuốc khác

Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc kháng đông. Bạn nên thông báo cho bác sĩ biết các loại thuốc bạn đã và đang sử dụng trước khi được kê đơn thuốc kháng đông gồm các loại thuốc được kê đơn, thuốc không kê đơn, vitamin, thảo dược và thực phẩm chức năng. Bạn không nên tự ý uống hoặc ngưng bất cứ loại thuốc nào khác khi chưa có ý kiến của bác sĩ vì một số thuốc có thể làm tăng tác dụng của thuốc kháng đông, tăng nguy cơ chảy máu, trong khi một số thuốc có thể làm giảm tác dụng của thuốc kháng đông (tăng nguy cơ hình thành cục máu đông). Ngoài ra, khi được các bác sĩ khác kê đơn những thuốc điều trị các bệnh lý khác, bạn cần thông báo cho bác sĩ biết bạn đang sử dụng thuốc kháng đông để bác sĩ lựa chọn thuốc phù hợp và tránh tương tác với thuốc kháng đông.

Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp

Nếu đang sử dụng thuốc kháng vitamin K (warfarin, acenocoumarol), bạn nên ăn ở mức độ vừa phải thực phẩm chứa nhiều vitamin K bởi vì vitamin K có thể làm giảm tác dụng của thuốc kháng đông. Các thực phẩm giàu vitamin K gồm các loại rau xanh, củ quả có nhiều màu xanh (như rau dền, cải lá xoăn, rau bó xôi, rau xà lách xanh, ngò tay, rau diếp, rau muống, rau lang, măng tây, cải thảo, súp lơ xanh, đậu bắp, đậu Hà Lan, hành …); gia vị, rau thơm (kinh giới, bạc hà, húng tây, húng quế, cần tây, rau mùi); đậu nành, bơ, gan (bò, heo, gà) … Tác dụng của các thuốc kháng đông đường uống thế hệ mới (Rivaroxaban, Dabigatran, Apixaban và Edoxaban) không bị ảnh hưởng bởi các thực phẩm chứa nhiều vitamin K.

Ảnh minh họa: Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, hạn chế rượu, bia nếu đang sử dụng thuốc kháng đông

Bạn cần tiết chế uống rượu bia nếu đang sử dụng thuốc kháng đông. Liên hệ bác sĩ khi không thể ăn trong vài ngày hoặc rối loạn tiêu hóa như nôn ói, tiêu chảy vì có thể ảnh hưởng liều lượng của thuốc kháng đông.

Xét nghiệm máu theo dõi hiệu lực kháng đông

Nếu đang sử dụng thuốc kháng vitamin K, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm INR (International Normalized Ratio) định kỳ để biết rằng thuốc kháng đông bạn đang sử dụng có hiệu lực hay không. Nếu có điều kiện kinh tế, bạn có thể mua máy kiểm tra INR bằng que thử tại nhà. Bác sĩ sẽ tư vấn khoảng INR cho phép đối với bạn để đảm bảo thuốc kháng vitamin K có hiệu quả và an toàn. Bạn cần liên hệ với bác sĩ ngay nếu chỉ số INR nằm ngoài khoảng cho phép và có sổ theo dõi ghi chép liều lượng thuốc và ngày thử INR.

Nếu bạn sử dụng các thuốc kháng đông đường uống thế hệ mới (Rivaroxaban, Dabigatran, Apixaban và Edoxaban) thì điều thuận tiện là không cần theo dõi thường xuyên chỉ số INR do các thuốc này có hiệu quả kháng đông ổn định và an toàn.

Lưu ý về các bệnh đồng mắc

Bạn cần thông báo cho bác sĩ các bệnh đồng mắc như bệnh gan, bệnh thận vì thuốc kháng đông không được khuyến cáo trong trường hợp suy gan nặng, suy thận nặng cũng như để bác sĩ chọn lựa thuốc kháng đông và liều lượng phù hợp ở những đối tượng được sử dụng.

Sử dụng thuốc kháng đông phù hợp ở phụ nữ mang thai và cho con bú

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên sử dụng một biện pháp tránh thai hiệu quả trong khi điều trị bằng các thuốc kháng đông. Cần thông báo ngay với bác sĩ về việc mang thai, cho con bú hoặc có nguyện vọng mang thai khi đang điều trị để có những thay đổi điều trị phù hợp nhằm giảm nguy cơ dị tật cho thai nhi và không tự ý ngừng thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ. Trong suốt thai kỳ, người bệnh cần khám và theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ tim mạch và bác sĩ sản phụ khoa để phối hợp điều trị.

Tóm lại, thuốc kháng đông đường uống đóng vai trò cốt lõi trong phòng ngừa đột quỵ và tắc động mạch ngoại biên ở bệnh nhân rung nhĩ. Thuốc này cần được sử dụng lâu dài, tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ và tránh bị ngưng đột ngột dẫn đến biến cố đột quỵ, tắc mạch ngoại biên và thậm chí tử vong.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y Tế Việt Nam. Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí đột quỵ não. Quyết định số /QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2020.
  2. Hindricks G, Potpara T, Dagres N, et al. 2020 ESC Guidelines for the diagnosis and management of atrial fibrillation developed in collaboration with the European Association for Cardio-Thoracic Surgery (EACTS): The Task Force for the diagnosis and management of atrial fibrillation of the European Society of Cardiology (ESC) Developed with the special contribution of the European Heart Rhythm Association (EHRA) of the ESC. European Heart Journal 2021, 42(5): 373–498.
  3. Phạm Quốc Khánh, Nguyễn Lân Việt. Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị rung nhĩ. Hội Tim Mạch Học Việt Nam 2016.
  4. Unger E.F. Atrial fibrillation and new oral anticoagulant drugs. U.S Food and Drug Administration 2015. https://www.fda.gov/drugs/news-events-human-drugs/atrial-fibrillation-and-new-oral-anticoagulant-drugs - accessed on April 3, 2021.
  5. https://www.nhs.uk/medicines/warfarin/ - accessed on April 3, 2021.

Tác giả: ThS. BS. Trần Công Duy
Giảng viên Bộ môn Nội Tổng Quát - Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
Giảng viên Bộ môn Nội Tổng Quát - Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

Bài viết liên quan

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: CÁC NGUY CƠ THẦM LẶNG DẪN ĐẾN ĐỘT QUỴ NÃO
Tháng 12/2024
PGS. TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Tim TP.HCM, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM