A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rung Nhĩ Là Gì, Xảy Ra Như Thế Vào Và Cần Lưu Ý Gì Để Phòng Bệnh?

Tổng số điểm của bài viết là: 22 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Khi trong trạng thái tốt nhất, nhịp tim là thể hiện sự co bóp đều đặn của trái tim giúp đẩy máu theo các mạch máu đi nuôi cơ thể, sau đó nhận lại máu trở lại để tuần hoàn. Tuy nhiên, có nhiều rối loạn nhịp tim làm ảnh hưởng đến hoạt động của tim, trong đó có chứng rung nhĩ. Đây cũng là nguyên nhân gây ra đột quỵ, khiến nhiều bệnh nhân bị suy tim và gặp biến chứng tim mạch nặng nề khác.

ThS.BS. NGUYỄN VĂN DẦN

Bệnh Viện Tim Hà Nội

Ảnh minh họa: Rung nhĩ gây ra đột quỵ và nhiều biến chứng suy tim, mạch nặng nề

Rung nhĩ là gì?

Rung nhĩ là tình trạng rối loạn nhịp tim đặc trưng bởi bất thường hoạt động tâm nhĩ, tâm nhĩ co bóp rất nhanh và không đều (rung), gây ra nhịp tim đập bất thường, không đều, thường là nhanh. Rung nhĩ có biểu hiện triệu chứng đa dạng từ không có triệu chứng (tình cờ phát hiện), hồi hộp trống ngực, tức ngực, khó thở tới biểu hiện của các biến chứng nguy hiểm như suy tim tắc mạch, đột quỵ não... Rung nhĩ là một rối loạn nhịp tim thường gặp và có tỉ lệ tăng theo tuổi. Tại Mỹ, theo thống kê vào năm 2010 cho thấy có 2% bệnh nhân dưới 60 tuổi có rung nhĩ, tỉ lệ này là 9% ở các bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên ảnh hưởng tới 2,7 đến 6,1 triệu người Mỹ trưởng thành, con số này theo dự kiến sẽ tăng nhanh vào những năm tới, ước tính sẽ có 12,1 triệu người Mỹ mắc rung nhĩ vào năm 2030.

Rung nhĩ diễn ra như thế nào?

Trái tim của chúng ta được cấu tạo bưởi 4 buồng tim, hai buồng ở trên là tâm nhĩ (có tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái), hai buồng tim phía dưới được gọi là tâm thất (có tâm thất phải và tâm thất trái). Trong trạng thái bình thường trái tim được điều khiển hoạt động nhịp nhàng bằng hệ thống các tế bào đặc biệt gọi là hệ thống dẫn truyền. Hệ thống dẫn truyền có hai chức năng chính là chức năng tạo nhịp và chức năng dẫn truyền để duy trì hoạt động đều đặn, nhịp nhàng của quả tim. 

Rối loạn chức năng tạo nhịp hoặc chức năng dẫn truyền hoặc cả hai chức năng này của hệ thống dẫn truyền sẽ dẫn tới tình trạng rối loạn nhịp tim. Hoạt động bình thường của chu kỳ tim là sự co bóp đều đặn xen kẽ thời kỳ giãn nở của các buồng tim theo trình tự thời gian hợp lý và nhịp nhàng. Chu kỳ tim bắt đầu bằng việc buồng trên của tim (tâm nhĩ) co bóp đẩy máu xuống buồng dưới của tim (tâm thất), sau đó tâm thất co bóp đẩy máu đi các cơ quan trong cơ thể, sau thời gian co bóp các buồng tim sẽ giãn nở để nhận máu về. Sự hoạt động phối hợp nhịp nhàng và đều đặn giữa các tâm nhĩ và tâm thất giúp duy trì hoạt động bình của trái tim với tần số tim bình thường khoảng 60 -100 chu kỳ mỗi phút. 

Trong tình trạng rung nhĩ, các tâm nhĩ không còn co bóp đều đặn nữa mà “rung” lên rất nhanh với tần số 350- 600 chu kỳ mỗi phút, các tâm thất đập với tần số chậm hơn tâm nhĩ nhưng cũng thường nhanh hơn so với bình thường, sự phối hợp co bóp nhịp nhàng, đồng bộ giữa tâm nhĩ và tâm thất không còn như bình thường nữa, đây là cơ chế chính gây hậu quả suy tim và gây ra các triệu chứng khó chịu (như nhịp tim không đều, hồi hộp, trống ngực, tức ngực…) mà bệnh nhân có thể cảm nhận được. Quá trình “rung” của tâm nhĩ với tần số lớn như vậy cũng khiến dòng máu trong tâm nhĩ di chuyển chậm, luẩn quẩn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong buồng nhĩ, cục máu đông này có thể theo dòng máu xuống tâm thất và di chuyển tới các cơ quan làm tắc mạch tại nơi đó đặc biệt là tại não gây tai biến tắc mạch não. Theo thống kê rung nhĩ làm tăng 2 lần nguy cơ tử vong, tăng 2 đến 3 lần nguy cơ nhập viện và tăng 5 lần nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân.

Ảnh minh họa: Rung nhĩ làm tăng 2 lần nguy cơ tử vong, tăng 2 đến 3 lần nguy cơ nhập viện và tăng 5 lần nguy cơ đột quỵ

Cần lưu ý gì để phòng ngừa rung nhĩ?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ của rung nhĩ bao gồm: tuổi cao, bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, mạch vành, bệnh van tim, suy tim…), đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp, bệnh phổi mạn, lạm dụng rượu… Do vậy để điều trị tốt cho bệnh nhân rung nhĩ cần kiểm soát tốt bệnh nền và yếu tố nguy cơ. Hai mục tiêu chính của điều trị rung nhĩ là cải thiện triệu chứng và phòng ngừa biến chứng. Để đạt được hai mục tiêu này bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp điều trị phù hợp: như điều chỉnh nhịp tim hoặc chuyển về nhịp tim bình thường và dự phòng biến cố tắc mạch bằng thuốc chống đông dựa trên đánh giá và cân bằng nguy cơ tắc mạch và nguy cơ chảy máu cho từng bệnh nhân.


Tác giả: ThS. BS. Nguyễn Văn Dần

Bài viết liên quan

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: CÁC NGUY CƠ THẦM LẶNG DẪN ĐẾN ĐỘT QUỴ NÃO
Tháng 04/2024
PGS. TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Tim TP.HCM, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM