A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phụ nữ có nguy cơ tử vong do đột quỵ cao hơn nam giới

Tổng số điểm của bài viết là: 21 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mang thai, sinh nở, thời kỳ tiền mãn kinh, dùng thuốc tránh thai, …được coi là một số các nguyên nhân khiến nữ giới mắc bệnh đột quỵ thường có tỷ lệ tử vong cao hơn nam giới. Vậy các yếu tố và bệnh lý nào dẫn đến nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ? và cần làm gì để xử trí khi nhận thấy dấu hiệu cảnh báo đột quỵ?   

ThS. BS. NGUYỄN HỮU TUẤN

C5 – Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

Hàng năm, đột quỵ gây tử vong cho phụ nữ cao gấp 2 lần so với tử vong ở nhóm chị em bị ung thư vú (1). Đây là con số cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này. Trên thực tế, đột quỵ đứng hàng thứ ba trong các nguyên nhân tử vong ở phụ nữ (2). Khi xảy ra đột quỵ, phụ nữ tử vong nhiều hơn  nam giới (3), nguyên nhân phụ nữ gặp phải những vấn đề đặc thù giới tính như : mang thai, thời kỳ tiền mãn kinh, dùng thuốc tránh thai,… Các vấn đề này làm gia tăng nguy cơ đột quỵ (4,5,6); bên cạnh đó, họ cũng bị mắc các bệnh lý khác tương tự nam giới như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,…

Ảnh minh họa: Đột quỵ là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở phụ nữ

Các yếu tố và bệnh lý dẫn đến nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ

Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu các yếu tố cũng như bệnh lý dẫn đến nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ:

Tăng huyết áp: là yếu tố quan trọng nhất gây đột quỵ, tuy nhiên nhiều người tăng huyết áp mà không có triệu chứng, do vậy cần đo huyết áp thường xuyên.

Rung nhĩ: rung nhĩ là tình trạng tim đập không đều (rối loạn nhịp tim) dẫn đến hình thành cục máu đông trong tim và bắn lên mạch máu não gây ra đột quỵ. Phụ nữ bị rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao hơn nam giới, đặc biệt là nữ giới trên 75 (7,8).

Rối loạn mỡ máu: tăng cholesterol có hại làm xơ vữa mạch máu, hẹp dần mạch máu

Đái tháo đường: phụ nữ mắc đái tháo đường tử vong cao hơn so với nam giới khi bị đột quỵ, nếu sống sót thì các di chứng cũng nặng nề hơn nam giới (9).

Mang thai: trong và sau mang thai, phụ nữ có nguy cơ xảy ra đột quỵ cao hơn (10,11), có nhiều các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ tăng lên khi phụ nữ mang thai như tăng huyết áp, tăng cân, béo phì, bệnh van tim.

Ảnh minh hoa: Phụ nữ có nguy cơ xảy ra đột quỵ cao trong và sau khi mang thai

Tiền mãn kinh: phụ nữ sau khi mãn kinh có nguy cơ đột quỵ tăng dần theo thời gian . Khi phụ nữ mãn kinh, buồng trứng không sản sinh ra hóc-môn Estrogen, tác nhân này gây ảnh hưởng trực tiếp đến mạch máu và điều hoà mỡ máu.

Đau nửa đầu có thoáng báo: là đau nửa đầu kèm theo rối loạn cảm giác, thị giác, vận động thoáng qua làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là ở phụ nữ dưới 55 tuổi hoặc hút thuốc lá.

Hút thuốc: Người hút thuốc có nguy cơ đột quỵ cao gấp 2 đến 4 lần người không hút thuốc (12), do thuốc lá làm tăng hình thành mảng xơ vữa, xơ cứng mạch máu, hẹp động mạch, thiếu oxy lên não.

Căng thẳng (stress): căng thẳng kéo dài làm tăng nguy cơ đột quỵ, do làm tăng huyết áp hoặc làm cho bạn lười vận động thể lực, ăn uống không lành mạnh hoặc hút thuốc.

Uống rượu: phụ nữ uống trên 30 ml rượu mạnh hoặc 330 ml bia làm tăng nguy cơ đột quỵ (13).

Cách nhận biết và xử trí ban đầu

Biểu hiện của đột quỵ bao gồm:

  • Tê hoặc yếu mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt chỉ ở một bên cơ thể
  • Lẫn lộn hoặc khó nói, khó hiểu câu hỏi
  • Khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt
  • Đi lại khó khăn, chóng mặt hoặc mất thăng bằng, khó phối hợp động tác
  • Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân

Đột quỵ là một tình huống cấp cứu khẩn cấp. Khi nghi ngờ mình đã bị đột quỵ, cần nằm nghỉ ngơi tại nơi an toàn, tránh đi lại hoặc tự lái xe và gọi ngay cho đội cấp cứu hoặc bảo người thân đưa đến bệnh viện lớn gần nhất. Không nên tự uống thuốc, đặc biệt là các loại thuốc được “mách” hoặc “truyền tai”. Khi đến bệnh viện, bạn sẽ được chẩn đoán và điều trị đầy đủ và kịp thời.

Đột quỵ có thể gây ra tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn, tuy nhiên nhiều tình huống đột quỵ có thể được phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Do vậy chúng ta cần hiểu rõ về các yếu tố nguy cơ của bệnh, cách phòng tránh và thay đổi lối sống theo hướng tích cực và tuân thủ điều trị của bác sĩ.


Tài liệu tham khảo

1. Centers for Disease Control and Prevention, National Center for Health Statistics. Underlying Cause of Death, 1999-2016, Wide-ranging OnLine Data for Epidemiologic Research (WONDER).

2. Heron, M. (2018). Deaths: Leading Causes for 2016. National Vital Statistics Reports, 67(6). Hyattsville, MD: National Center for Health Statistics.

3. Benjamin, E. J., Virani, S. S., Callaway, C. W., Chamberlain, A. M., Chang, A. R., Cheng, S., … Muntner, P. (2018). Heart Disease and Stroke Statistics—2018 Update: A Report From the American Heart Association Circulation, 137, e67–e492.

4. Asplund, K., Karvanen, J., Giampaoli, S., Jousilahti, P., Niemelä, M., Broda, G., … Kulathinal, S. (2009). Relative risks for stroke by age, sex, and population based on follow-up of 18 European populations in the MORGAM Project Stroke, 40(7), 2319–2326.

5. Bushnell, C., McCullough, L. D., Awad, I. A., Chireau, M. V., Fedder, W. N., Furie, K. L., … Walters, M. R. (2014). Guidelines for the Prevention of Stroke in Women Stroke, 45.

6. Berends, A. L., de Groot, C. J., Sijbrands, E. J., Sie, M. P., Benneheij, S. H., Pal, R., … Steegers, E. A. (2008). Shared constitutional risks for maternal vascular-related pregnancy complications and future cardiovascular disease. Hypertension51, 1034–1041.

7. Volgman, A. S., Manankil, M. F., Mookherjee, D., & Trohman, R. G. (2009). Women with atrial fibrillation: Greater risk, less attentionGender Medicine, 6(3), 419–432.

8. American Heart Association/American Stroke Association. (2014). Women Face a Higher Risk of Stroke. 

9. Roche, M., & Wang, P.P. (2013). Sex differences in all-cause and cardiovascular mortality, hospitalization for individuals with and without diabetes, and patients with diabetes diagnosed early and late Diabetes Care, 36(9), 2582–2590.

10. Bushnell, C., McCullough, L. D., Awad, I. A., Chireau, M. V., Fedder, W. N., Furie, K. L., … Walters, M. R. (2014). Guidelines for the Prevention of Stroke in Women Stroke, 45.

11. Berends, A. L., de Groot, C. J., Sijbrands, E. J., Sie, M. P., Benneheij, S. H., Pal, R., … Steegers, E. A. (2008). Shared constitutional risks for maternal vascular-related pregnancy complications and future cardiovascular disease. Hypertension51, 1034–1041

12. U.S. Department of Health and Human Services. (2014). The Health Consequences of Smoking — 50 Years of Progress: A Report of the Surgeon General.

13. O'Keefe, J. H., Bhatti, S. K., Bajwa, A., DiNicolantonio, J. J., & Lavie, C. J. (2014). Alcohol and cardiovascular health: the dose makes the poison…or the remedy Mayo Clinic Proceedings, 89(3), 382–393.


Tác giả: ThS. BS. Nguyễn Hữu Tuấn
C5 – Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai
C5 – Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

Bài viết liên quan

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: CÁC NGUY CƠ THẦM LẶNG DẪN ĐẾN ĐỘT QUỴ NÃO
Tháng 11/2024
PGS. TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Tim TP.HCM, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM