A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phần 2: 10 Trường Hợp Có Thể Gây Nguy Hiểm Khi Tắm Về Đêm Cần Tránh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Gần đây, các phương tiên truyền thông liên tục đưa tin nhiều vụ tử vong do đột quỵ sau khi tắm đêm. Vậy có mối liên quan gì giữa đột quỵ não và thói quen tắm đêm của rất nhiều người? Hãy cùng theo dõi chuỗi 3 bài viết chia sẻ thiết thực về vấn đề này cùng TS. BS. Mai Đức Thảo, Khoa thần kinh bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội.

Tìm hiểu thêm:

Phần 1: Tắm Đêm Có Thực Sự Liên Quan Đến Đột Quỵ Não Không?

Phần 3: Chuẩn Bị Từng Bước Để Tắm Và Tắm Đúng Cách Giúp Bảo Vệ Sức Khỏe

Phần 2: NHỮNG TRƯỜNG HỢP CÓ THỂ GÂY NGUY HIỂM KHI TẮM VỀ ĐÊM CẦN TRÁNH

TS. BS. Mai Đức Thảo

Khoa Thần Kinh Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội

Càng về tối muộn, nhiệt độ và không khí bên ngoài sẽ càng giảm xuống thấp nên các chuyên gia khuyên bạn không nên đi tắm sau 23g00 giờ. Đặc biệt, bạn cần lưu ý KHÔNG TẮM ĐÊM trong những trường hợp sau để phòng tránh nhiều biến chứng nguy hại:

1. Sau khi vận động mạnh hoặc tập luyện cường độ cao: Do lúc này, cơ thể đang ra nhiều mồ hôi nên có thể gây choáng váng, thiếu máu não, thậm chí còn dẫn đến tình trạng đau tim, ngất xỉu… Vì vậy, lúc này thì bạn chỉ nên lau khô người và ngồi nghỉ cho thân nhiệt dần ổn định trở lại.

 

Ảnh minh họa: Luyện tập cường độ cao

2. Sau khi uống rượu bia, chất kích thích: Rượu có thể gây ức chế hoạt động của chức năng gan, đồng thời ngăn cản quá trình giải phóng glycogen. Tắm sau khi uống rượu với nồng độ cồn trong máu đang tăng cao, cộng thêm nhiệt độ của nước sẽ đẩy nhanh tuần hoàn máu, khiến đường huyết bị tiêu hao nhiều, không được bổ sung kịp thời do hoạt động thể lực và máu tuần hoàn nhanh. Khi mức độ đường trong máu xuống thấp, nhiệt độ cơ thể sẽ hạ theo, dễ gây sốc làm cho co thắt mạch, dẫn đến cảm lạnh. Nếu tắm lúc này sẽ dẫn đến trường hợp hoa mắt, chóng mặt, toàn thân bủn rủn, hạ đường huyết, thậm chí có thể xảy ra nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

3. Khi cơ thể quá mệt mỏi, vừa trải qua một cơn ốm nặng: Người ốm thường có thân nhiệt cao hơn bình thường. Thân nhiệt cơ thể lúc này có thể lên đến 39˚C – 40˚C và cơ thể đang rất yếu. Nếu đi tắm ngay sẽ dễ xảy ra những hậu quả không mong muốn, trong đó có nguy cơ đột quỵ cao.

4. Khi đang mang thai: Người đang mang bầu tuyệt đối không nên tắm đêm vì có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe của thai nhi.

5. Phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt: Tắm muộn sẽ dễ làm trầm trọng hơn triệu chứng đau bụng kinh hay đau đầu. Bởi thời gian này, khí huyết bị mất, nếu tắm và gội đầu quá muộn sẽ làm ngưng khí huyết, khiến huyết ra hòn cục, gây đau bụng.

Ảnh minh họa: Tắm muộn trong thời kỳ kinh nguyệt làm trầm trọng hơn triệu chứng đau bụng kinh

6. Sau khi cạo gió (giác hơi) không nên tắm ngay: Nhiều người khi mệt mỏi, khi cảm mạo thường dùng bài thuốc dân gian như cạo gió, giác hơi để giảm mệt mỏi. Xin lưu ý rằng phần da sau khi cạo gió hoặc giác hơi đã bị tổn thương, nếu tắm ngay ở nhiệt độ nước quá thấp, qua các lỗ chân lông đang ở trạng thái mở sẽ gây ra cảm sốt.

7. Khi quá no hay quá đói không nên tắm: Sau khi ăn, cơ thể cần tập trung máu tới hệ tiêu hóa, nếu tắm ngay các mạch máu sẽ bị giãn nở, lượng máu giảm xuống, có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, dễ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, dạ dày, tá tràng. Còn tắm khi đói thì vô tình gây hạ đường huyết và khiến bạn dễ hoa mắt, chóng mặt hay gặp đột quỵ. Chính vì thế để đảm bảo an toàn, bạn nên tắm trước khi ăn hoặc sau khi ăn khoảng 60 phút.

8. Trước và sau khi massage 1 tiếng đồng hồ không nên tắm: Mục đích của massage là giảm mệt mỏi, đồng thời thư giãn lưu thông máu, rất có lợi cho sức khỏe. Nhưng trong 1 tiếng trước và sau khi massage tuần hoàn máu ở trạng thái tăng nhanh, nếu tắm vào thời điểm này dễ xảy ra thiếu oxy não dẫn đến hôn mê bất tỉnh.

9. Khi huyết áp thấp không nên tắm: Khi tắm mạch máu giãn ra. Người huyết áp thấp sẽ có nguy cơ không cung cấp đủ máu lên não và tim, dễ dẫn đến tình trạng hôn mê, bất tỉnh.

Ảnh minh họa: Khi huyết áp thấp không nên đi tắm

10. Những người có bệnh lý tim mạch

Tỷ lệ mắc bệnh rung nhĩ cũng tăng lên vào mùa đông. Một nghiên cứu được thực hiện ở Đan Mạch và New Zealand đã ghi nhận tỷ lệ nhập viện do đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ tăng lên mức cao nhất vào mùa đông. [1] Kích thích tâm nhĩ khi hạ thân nhiệt sớm thường gây ra rung nhĩ. Trong một nghiên cứu tiền cứu về các mô hình theo mùa trong các yếu tố cầm máu ở nam giới lớn tuổi, nồng độ lưu hành của chất hoạt hóa plasminogen mô (t-PA), yếu tố Von Willebrand và Fibrin D-dimer thấy cao nhất vào mùa đông [2] gây tăng nguy cơ tắc mạch não và tim mạch.

(Còn tiếp)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Christensen AL, Rasmussen LH, Baker MG, Lip GY, Dethlefsen C, Larsen TB. Seasonality, incidence and prognosis in atrial fibrillation and stroke in Denmark and New Zealand. BMJ Open 2012;2:e001210
  2. Ghebre MA, Wannamethee SG, Rumley A, Whincup PH, Lowe GD, Morris RW. Prospective study of seasonal patterns in hemostatic factors in older men and their relation to excess winter coronary heart disease deaths. J Thromb Haemost 2012;10:352-8

Tác giả: TS. BS. Mai Đức Thảo
Khoa Thần Kinh Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội
Khoa Thần Kinh Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội

Bài viết liên quan

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: CÁC NGUY CƠ THẦM LẶNG DẪN ĐẾN ĐỘT QUỴ NÃO
Tháng 04/2024
PGS. TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Tim TP.HCM, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM