A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuẩn Đoán Rung Nhĩ Và Nhận Biết Đột Quỵ Thiếu Máu Não Như Thế Nào?

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Hãy cùng theo chia sẻ chi tiết của ThS. BS. Nguyễn Tất Đạt về những điều cần biết về rung nhĩ như: thế nào là rung nhĩ, phân loại rung nhĩ, triệu chứng và nguy cơ để có thể chuẩn đoán rung nhĩ một cách chính xác nhất.

ThS. BS. Nguyễn Tất Đạt

Khoa Nội tim mạch – Bệnh viện Chợ Rẫy

Để giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về căn bệnh này, ThS. BS. Nguyễn Tất Đạt có cung cấp thông tin y tế về một trường hợp bệnh nhân như sau:

Bệnh nhân nam 42 tuổi nhập viện vì đột ngột yếu ½ người trái, nói khó. Tình trạng bị nặng ngực, kèm hồi hộp thường xuyên xảy ra khoảng 6 tháng nay. Bệnh nhân có tiền căn rối loạn nhịp tim không rõ chuẩn đoán do đã tự ý ngưng điều trị và không mang theo giấy tờ cũ. Qua thông tin ban đầu, không có tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, đau ngực, phù, ngất trước đây; có tiền căn hút thuốc lá 1 gói/ 2 ngày hơn 10 năm nay.

(Ảnh minh họa) Bệnh nhân có tình trạng nặng ngực, kèm hồi hộp thường xuyên

Bác sĩ chuyên khoa tiến hành khám lâm sàng tổng kết thông tin sơ bộ: bệnh tỉnh, nằm đầu ngang được, cao 170 cm, nặng 80kg, BMI: 27,7; huyết áp: 138/75, mạch: 90 - 110 lần/phút, tim không đều tần số khoảng 138 lần/phút, phổi không rale, không phù ngoại biên.

Áp dụng ECG giúp xác định và chuẩn đoán rối loạn nhịp cho thấy hình ảnh rung nhĩ đáp ứng tần số nhịp thất nhanh.

Bên cạnh đó bệnh nhân cũng được chụp CT não với hình ảnh:

(Ảnh minh họa) Hình ảnh chụp CT não

Dịch tể học của rung nhĩ

Rung nhĩ là một dạng rối loạn nhịp tim thường gặp và có tỷ lệ mắc tăng dần theo tuổi.

Thông thường tình trạng rung nhĩ nghiêm trọng dẫn đến phải nhập viện là do rối loạn huyết động, các biến cố tắc mạch, suy tim và tử vong... Theo số liệu thống kê, rung nhĩ làm tăng 5 lần nguy cơ đột quỵ và tỉ lệ này còn tiếp tục tăng theo tuổi. Bên cạnh đó, rung nhĩ cũng là tác nhân làm tăng gấp 3 lần nguy cơ suy tim, tăng 2 lần nguy cơ tử vong.

 

Định nghĩa và sinh lý bệnh của rung nhĩ

Rung nhĩ là một rối loạn nhịp trên thất với đặc trưng là do tình trạng rối loạn điện học và sự co bóp cơ tâm nhĩ với các biểu hiện điện tim: Các khoảng R-R không đều (khi dẫn truyền nút nhĩ thất còn tốt), mất sóng P, các sóng f lăn tăn.

(Ảnh minh họa) Rối loạn nhịp trên thất

Rung nhĩ gây ảnh hưởng huyết động thông qua tần số đáp ứng thất rối loạn (quá nhanh hoặc quá chậm) và sự mất đồng bộ giữa nhĩ và thất. Bên cạnh đó có nhiều triệu chứng khác nhau ở bệnh nhân rung nhĩ: từ không triệu chứng đến mệt mỏi, hồi hộp, khó thở hoặc các triệu chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, ngất hoặc suy tim.

Khi rung nhĩ không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng tắc mạch ngoại vi do hình thành huyết khối trong buồng nhĩ, thường là từ tiểu nhĩ trái. Từ đó gia tăng nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần ở bệnh nhân rung nhĩ.

Nhận biết 5 loại rung nhĩ

  • Rung nhĩ kịch phát là rung nhĩ < 1 tuần và tự chuyển nhịp xoang hoặc cần can thiệp (bằng thuốc, sốc điện). Các cơn rung nhĩ kịch phát có thể tái diễn.
  • Rung nhĩ bền bỉ là rung nhĩ liên tục > 1 tuần, < 1 năm.
  • Rung nhĩ dai dẳng là rung nhĩ kéo dài > 1 năm, nhưng vẫn có khả năng khôi phục nhịp xoang.
  • Rung nhĩ mạn tính là rung nhĩ không thể chuyển nhịp về hoặc duy trì được nhịp xoang. Khi rung nhĩ càng kéo dài, cơ hội chuyển nhịp tự nhiên về nhịp xoang càng giảm và càng khó hơn do cơ nhĩ bị tái cấu trúc. Nguyên nhân do tần số nhĩ nhanh làm thay đổi tính chất điện sinh lý của cơ nhĩ bao gồm: giảm thời gian trơ cơ nhĩ nói chung, mất đồng nhất về thời gian trơ giữa các vùng cơ nhĩ khác nhau, kéo dài thời gian dẫn truyền trong cơ nhĩ.
  • Rung nhĩ do bệnh van tim: rung nhĩ khi không có hẹp van 2 lá do thấp hoặc sửa hẹp van 2 lá hay có van tim cơ học.

Triệu chứng cơ năng và thực thể bệnh nhân

Việc chẩn đoán bệnh dựa trên các thông tin từ hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng, khai thác tỉ mỉ triệu chứng cơ năng và khám xét toàn diện, sử dụng các xét nghiệm phù hợp làm cơ sở để chẩn đoán bệnh và quyết định các biện pháp điều trị.

(Ảnh minh họa) Thực hiện xét nghiệm phù hợp để chẩn đoán bệnh

Đối với bệnh nhân rung tâm nhĩ thường không có triệu chứng. Nhưng với một số người có thể thấy đánh trống ngực, khó chịu trong ngực, hoặc triệu chứng của suy tim (ví dụ như suy nhược cơ thể, nhức đầu, khó thở), đặc biệt khi tần số thất rất nhanh (thường là 140-160 lần/phút). Bệnh nhân cũng có thể có triệu chứng và dấu hiệu đột quỵ cấp tính hoặc các tổn thương cơ quan khác do thuyên tắc mạch hệ thống.

Khám mạch thấy không đều và không có quy luật. Khám mạch có thể thấy tần số mạch quay thấp hơn tần số tim nghe bằng ống nghe.

Chẩn đoán

  • Điện tâm đồ
  • Siêu âm tim
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp

Chẩn đoán rung nhĩ là bằng điện tâm đồ (xem Hình). Các dấu hiệu trên điện tâm đồ bao gồm:

  • Không có sóng P
  • Có sự hiện diện của sóng f giữa các phức hợp QRS. Sóng f không đều, không có hình thái cố định. Tần số sóng f thường > 300 lần/phút, thường thấy rõ nhất ở V1 và không phải lúc nào cũng thấy rõ ràng ở tất cả các chuyển đạo.
  • Các khoảng RR không đều và không có quy luật.

Rung nhĩ.

Siêu âm tim và các xét nghiệm chức năng tuyến giáp rất quan trọng trong đánh giá ban đầu bệnh nhân. Siêu âm tim có mục đích đánh giá các tổn thương cấu trúc tim (ví dụ: giãn nhĩ trái, bất thường vận động vùng thành thất trái gợi ý nhồi máu cơ tim cũ hoặc mới, tổn thương van tim, bệnh lý cơ tim). Siêu âm tim còn giúp phát hiện một số dấu hiệu gợi ý nguy cơ đột quỵ (ví dụ: bất thường lưu chuyển dòng máu trong tâm nhĩ, huyết khối buồng nhĩ, mảng xơ vữa lớn ở động mạch chủ). Huyết khối trong tâm nhĩ thường hay gặp ở trong tiểu nhĩ trái. Siêu âm tim qua thực quản tốt hơn siêu âm qua thành ngực trong chẩn đoán rõ huyết khối tiểu nhĩ trái.

Đột quỵ thiếu máu não

Ngoài ra, nếu mọi người phát hiện thấy người trong gia đình / cơ quan... có một hoặc nhiều triệu chứng sau thì có thể nhanh chóng nhận biết người đó bị đột quỵ thiếu máu não:

  • Đột ngột tê bì hoặc yếu nửa người, nửa mặt (cảm giác nặng tay chân, không hoặc khó nâng lên được, có cảm giác như "tay chân của người khác"
  • Đột ngột u ám, lẫn lộn, nói những câu vô nghĩa 
  • Đột ngột mất thị lực một bên hoặc cả hai bên mắt
  • Đột ngột đi lại khó khăn, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc phối hợp vận động
  • Đột ngột đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân

(Ảnh minh họa) Đặc điểm nhận biết đột quỵ thiếu máu não

Điều trị rung nhĩ

Trong quá trình điều trị rung nhĩ, có một tỉ lệ không nhỏ bệnh nhân bị rung nhĩ có thể chuyển nhịp về nhịp xoang bình thường và kiểm soát nhịp đập của tâm thất với các biện pháp:

  • Phương pháp đơn giản và phổ biến nhất là sử dụng thuốc
  • Phương pháp triệt phá điện sinh lý
  • Phụ thuộc vào triệu chứng, mức độ bệnh, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định phẫu thuật
  • Kiểm soát tần số tim bằng thuốc
  • Điều trị bệnh lý nền: tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, cường giáp…

Thuốc kháng đông

Hơn thế chuyên gia y tế cũng khuyến cáo bệnh nhân rung nhĩ có thể dự phòng đột quỵ với thuốc kháng đông. Đây là loại thuốc có vai trò trong việc làm chậm sự tiến triển hoặc ngăn chặn sự hình thành của cục máu đông, giúp dự phòng đột quỵ. Do đó nếu có chỉ định từ thì nên tuân thủ sử dụng thuốc nhằm mục đích dự phòng đột quỵ trên các bệnh nhân có nguy cơ. Hãy đến khám tại các bệnh viện hoặc các phòng khám chuyên khoa để được y bác sĩ đánh giá nguy cơ đột quỵ và có phương pháp điều trị thích hợp cũng như tư vấn cụ thể tình trạng bệnh của mình nhé!

Tài liệu tham khảo:

https://www.nhs.uk/conditions/atrial-fibrillation/


Tác giả: ThS. BS. Nguyễn Tất Đạt

Bài viết liên quan

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: CÁC NGUY CƠ THẦM LẶNG DẪN ĐẾN ĐỘT QUỴ NÃO
Tháng 03/2024
PGS. TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Tim TP.HCM, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM