Di Chứng Và Cách Chăm Sóc Tại Nhà Sau Đột Quỵ Não
Di chứng sau đột quỵ thường xảy ra do tình trạng tổn thương não, dẫn đến mất khả năng vận động hoặc do các phương pháp hồi phục sau đột quỵ tại nhà không hiệu quả.
TS. BS. Tường Vân Anh
Khoa Nội A – Bệnh viện Hữu Nghị
(Ảnh minh họa) Người bị đột quỵ não cần được điều trị phục hồi bài bản, kịp thời.
Đột quỵ não là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Người bệnh nếu không được điều trị đột quỵ tốt, kịp thời và đúng thời điểm vàng thì có thể để lại nhiều di chứng nghiêm trọng.
Di chứng sau đột quỵ não
1. Các chức năng cơ thể bị ảnh hưởng
Yếu hoặc liệt nửa người, liệt tay chân, liệt mặt, liệt các dây thần kinh sọ não, đau, cảm giác tê bì nửa người... Nuốt khó. Bí đái, hoặc đại tiểu tiện không tự chủ. Một số bệnh nhân nằm liệt lâu ngày có thể gặp một số biến chứng: cứng khớp, loét các điểm tì đè, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu…
2. Rối loạn giao tiếp
Một trong những rối loạn giao tiếp phổ biến nhất là chứng mất ngôn ngữ, với các biểu hiện: nói ngọng, nói lắp, âm điệu bị biến đổi, khó diễn đạt, thậm chí là không nói được.
(Ảnh minh họa) Yếu, liệt nửa người là một trong những di chứng thường gặp sau đột quỵ.
3. Suy giảm nhận thức
Đây là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh đột quỵ não: hay quên, suy giảm trí nhớ, không tỉnh táo, mất khả năng định hướng không gian, thời gian, không nhận biết được người thân, không hiểu được lời nói của người khác…
4. Thay đổi cảm xúc, hành vi
Thay đổi cảm xúc có thể bao gồm lo âu, trầm cảm, dễ cáu gắt, dễ xúc động và thiếu kiểm soát cảm xúc…. Người bệnh có thể cười và sau đó đột ngột khóc.
Thay đổi hành vi: bệnh nhân chậm chạp, hay do dự và lo lắng, không giống như cách người bệnh ứng xử trước khi bị đột quỵ.
Chăm sóc sau đột quỵ tại nhà
Sau giai đoạn điều trị tại bệnh viện, chăm sóc bệnh nhân sau khi bị đột quỵ tại nhà cũng là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì và cần có phương pháp bài bản. Quá trình này đóng vai trò hết sức quan trọng giúp phòng tránh đột quỵ tái phát và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
(Ảnh minh họa) Phục hồi sau đột quỵ giúp phòng tránh đột quỵ tái phát và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
1. Chế độ tập luyện:
Tùy mức độ di chứng liệt, người nhà nên phối hợp với nhân viên y tế đề ra kế hoạch tập luyện, vận động hằng ngày cho từng bệnh nhân. Mỗi ngày nên tập 2 - 3 lần, mỗi lần 15-30 phút và tiếp tục duy trì kể cả khi các di chứng đã được khắc phục. Người nhà nên thường xuyên xoa bóp, vận động cho các khớp, các cơ bên liệt để giúp bệnh nhân lưu thông máu, ngăn ngừa tình trạng cứng khớp và teo cơ.
Đối với những bệnh nhân có thể tự vận động được: nên động viên bệnh nhân tự thực hiện các hoạt động, công việc sinh hoạt hằng ngày để tăng tốc độ hồi phục.
2. Chăm sóc dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng hợp lý, bao gồm ba bữa ăn chính và bữa ăn phụ. Thực đơn phù hợp với từng bệnh nhân nhằm đảm bảo mỗi bữa ăn có đủ chất dinh dưỡng và vitamin. Nếu người bệnh có đái tháo đường, hay tăng huyết áp đi kèm cần giảm lượng tinh bột, muối…theo hướng dẫn của bác sỹ.
3. Chăm sóc tâm lý
Người thân trong gia đình hay người chăm sóc người bệnh đột quỵ cần động viên tinh thần để người bệnh lạc quan, vui vẻ hơn.
Tạo điều kiện để người bệnh tự chăm sóc bản thân, chủ động thực hiện một số công việc sinh hoạt hàng ngày, sẽ giúp họ cảm thấy bớt cảm giác phụ thuộc, loại bỏ mặc cảm, tự ti.
(Ảnh minh họa) Cần động viên tinh thần để giúp người bệnh lạc quan, vui vẻ.
4. Chăm sóc vệ sinh
Một số người bệnh đột quỵ bị giảm khả năng hoạt động sẽ nằm nhiều hơn nên cần đảm bảo da người bệnh luôn sạch sẽ, khô thoáng để tránh lở loét.
Đối với những bệnh nhân chưa đi lại được, bệnh nhân cần được đổi tư thế nằm mỗi 2 giờ để chống loét.
Trường hợp bệnh nhân liệt vận động, nên sử dụng đệm hơi hoặc đệm nước với giường có thanh chắn để dự phòng ngã
5. Sử dụng thuốc và tái khám
Uống thuốc đều đặn theo đơn hàng ngày để phòng ngừa tái phát và tái khám khi hết thuốc hoặc khi có các dấu hiệu bất thường.