Lưu Ý Quan Trọng Khi Sử Dụng Thuốc Kháng Đông Đường Uống
Thuốc kháng đông đường uống phổ biến hiện nay chia làm 2 loại, được bác sỹ chỉ định tùy theo từng đối tượng và phác đồ điều trị. Khi sử dụng các thuốc kháng đông đường uống, bệnh nhân cần ghi nhớ các lưu ý của bác sỹ và tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ điều trị.
BS. CKI. Trần Thanh Tuấn
Bệnh viện Đại Học Y Dược
(Ảnh minh họa) Thuốc kháng đông giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông
Thuốc kháng đông là một loại thuốc ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Thuốc được chỉ định với các bệnh nhân rung nhĩ, sau thay van tim cơ học, sau phẫu thuật lớn để dự phòng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, thuyên tắc phổi, dự phòng thứ phát sau các biến cố như đột quỵ, thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch.
Phân loại 2 nhóm thuốc kháng đông đường uống
Hiện nay thuốc kháng đông đường uống phổ biến có 2 nhóm chính gồm:
- Nhóm thuốc đối kháng vitamin K
- Nhóm thuốc kháng đông đường uống thế hệ mới (Novel Oral Anticoagulants, NOACs).
Hiệu quả của việc phòng ngừa huyết khối và đột quỵ khi sử dụng thuốc kháng đông phụ thuộc rất nhiều vào quá trình tuân thủ điều trị. Bệnh nhân cần uống thuốc đều đặn, đúng liều lượng vào thời điểm được chỉ định cố định trong ngày. Tuyệt đối không được ngưng sử dụng thuốc đột ngột hoặc uống gấp đôi liều lượng vì bất cứ lý do nào nếu chưa có ý kiến của bác sỹ. Khi sử dụng thuốc chống đông bệnh nhân cũng cần đi khám và xét nghiệm máu thường xuyên theo đúng hẹn.
Ngoài ra, bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc kháng đông đường uống nhóm thuốc đối kháng vitamin K cần phải chú ý đến việc sử dụng các loại thức ăn hàng ngày do chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của thuốc.
(Ảnh minh họa) Không tự ý ngưng sử dụng thuốc hoặc uống gấp đôi liều lượng
Lưu ý trong sử dụng thuốc kháng đông
Nhóm thuốc đối kháng vitamin K gồm các thuốc thông dụng như Acenocumarol, Wafarin. Đây là nhóm thuốc được sử dụng khá phổ biến do giá thành thuốc tương đối rẻ. Tuy nhiên việc sử dụng nhóm thuốc kháng đông đường uống này lại đòi hỏi một chế độ ăn hết sức nghiêm ngặt.
Thuốc kháng vitamin K có tác động chống đông thông qua việc làm giảm quá trình sản xuất các yếu tố đông máu có liên quan đến vitamin K từ gan. Các yếu tố này bao gồm yếu tố II, VII, IX và X. Số lượng các yếu tố này thấp đi khiến con đường đông máu ngoại sinh bị suy giảm, từ đó tăng hiệu quả chống đông.
Vitamin K nhiều hay ít lại tùy thuộc vào từng loại thực phẩm khác nhau. Vì vậy trong quá trình sử dụng thuốc bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ các loại thực phẩm và lên kế hoạch duy trì ổn định lượng Vitamin K hấp thụ vào cơ thể hàng ngày.
Những thực phẩm giàu vitamin K như:
- Cải xoăn, rau bina, bắp cải Brucxen, mù tạt xanh, rau diếp xanh, cải cầu vồng, bông cải xanh, măng tây, mùi tây,...
(Ảnh minh họa) Nhóm thực phẩm giàu vitamin K
Nếu đột ngột tăng cường những thực phẩm giàu vitamin K thì hiệu quả ngăn ngừa huyết khối của thuốc đối kháng vitamin K sẽ bị giảm xuống.
Còn nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ của thuốc sẽ tăng nếu giảm nồng độ vitamin K trong cơ thể với chế độ ăn thực phẩm ít vitamin K như:
- Bắp ngọt, hành, bí đao, cà tím, cà chua, nấm, khoai lang, dưa chuột, bắp cải, quả đào, táo, dâu tây, dưa hấu, dứa, chuối,...
(Ảnh minh họa) Nhóm thực phẩm ít vitamin K
Do đó, bệnh nhân cần lưu ý duy trì lượng vitamin K trong thực đơn hàng ngày bằng cách không đột ngột thay đổi loại thực phẩm có nhiều/ít vitamin K khi đang dùng thuốc kháng vitamin K. Bên cạnh đó để đánh giá hiệu quả của thuốc và có những điều chỉnh kịp thời thì bệnh nhân sử dụng thuốc kháng vitamin K cần xét nghiệm INR nhiều lần trong quá trình dùng thuốc.
Đối với nhóm kháng đông thế hệ mới như Rivaroxaban, Dabigatran. Thuốc tác động trực tiếp của các yếu tố đông máu như Rivaroxaban ức chế yếu tố Xa, Dabigatran ức chế yếu tố II (Thrombin) từ đó làm ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông. Chính vì tác động trực tiếp lên các yếu tố đông máu nên nhóm NOACs ít bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn.