A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những Hậu Quả Nặng Nề Do Biến Chứng Đột Quỵ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

BS. CKII. Nguyễn Trọng Luật của Khoa nội Tim mạch, bệnh viện Chợ Rẫy đã có những chia sẻ chi tiết về từng trường hợp bệnh nhân đột quỵ và cảnh báo về những hậu quả, biến chứng nặng nề có thể xảy ra.

Thông tin về ca lâm sàng đột quỵ thực tế

Bệnh nhân nam, sinh năm 1942 tại Phú Yên. Bệnh nhân có tiền căn nhồi máu não cách đây khoảng 5 năm, cắt cụt cẳng chân trái khoảng 1 năm do tắc mạch. Ngoài ra bệnh nhân còn bị tăng huyết áp và đái tháo đường. Tuy nhiên bệnh nhân khám và điều trị không liên tục. Cách nhập viện 1 ngày bệnh nhân đột ngột lơ mơ không tiếp xúc với với người thân nên được đưa vào y tế địa phương, sau đó chuyển vào bệnh viện Chợ Rẫy.

(Ảnh minh họa) Bệnh nhân đột quỵ cần được cấp cứu trong “thời gian vàng”

Lúc nhập viện, bệnh nhân hôn mê không tiếp xúc, thở máy qua ống nội khí quản, tần số tim 110 lần/phút, huyết áp 140/70 mmHg. Điện tâm đồ ghi nhận rung nhĩ đáp ứng thất nhanh. Siêu âm tim ghi nhận phân suất tống máu EF 60%, huyết khối tiểu nhĩ trái, không bệnh lý van tim. CT scan sọ não ghi nhận: tổn thương diện rộng bán cầu phải vùng chi phối của động mạch não giữa. Vài ổ tổn thương cũ bán cầu tiểu não 2 bên, chẩm trái, cạnh não thất phải. CT mạch máu chi trên ghi nhận tắc động mạch dưới đòn phải, cảnh trong phải, quay - trụ phải. Bệnh nhân được cho thở máy kiểm soát, điều trị nâng đỡ, tiên lượng rất nặng nề.

Trên đây là trường hợp đột quỵ được ghi nhận trong thực tế. Đối với từng tình trạng và đối tượng bệnh nhân khác nhau thì đột quỵ sẽ có biến chứng theo từng cấp độ. Trong các trường hợp bệnh nhân sống sót sau đột quỵ thì khả năng tàn phế, lệ thuộc cao. 10-13% bệnh nhân tàn phế, nằm liệt giường; 12% hồi phục một phần; 25% bệnh nhân có thể độc lập đi lại.

(Ảnh minh họa) Người bệnh có khả năng tàn phế, lệ thuộc cao sau đột quỵ

Sau đột quỵ, bệnh nhân thường khó hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường, kèm theo những ảnh hưởng về kinh tế, chi phí thuốc, điều trị, hồi phục… Mặt khác người nhà bệnh nhân cũng phải chịu những gánh nặng kinh tế trực tiếp. Khó khăn trong việc chăm sóc bệnh nhân đột quỵ, điều trị còn mang lại nhiều áp lực về mặt tinh thần.

Tìm hiều thêm về những hậu quả nặng nề sau đột quỵ

Để bạn đọc có thể hiểu sâu, chi tiết hơn về đột quỵ, Bs.CKII Nguyễn Trọng Luật của Khoa nội Tim mạch, bệnh viện Chợ Rẫy đã trực tiếp giải đáp một số thắc mắc thường gặp của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Câu hỏi 1: Mẹ em bị tai biến mạch máu não, hiện giờ đang tập vật lý trị liệu. Bác sĩ cho em hỏi người bị tai biến có phục hồi lại bình thường được không?

Trả lời: Bạn vui lòng cung cấp thêm thông tin về bệnh lý tai biến mạch máu não của mẹ bạn. Ví dụ như mẹ bạn năm nay bao nhiêu tuổi? Bị nhồi máu não hay xuất huyết não? Tổn thương phần nào của não? Tình trạng hiện tại: yếu liệt ra sao? Nhận thức và ngôn ngữ như thế nào? Có các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu cơ tim,…hay không? Qua thông tin của bạn, xin trao đổi với bạn một số ý như sau:

Những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến kết quả của quá trình phục hồi chức năng đột quỵ?

- Mức độ nghiêm trọng và mức độ tổn thương của não.

- Tuổi tác: trẻ em và thanh niên phục hồi tốt hơn so với người già

- Mức độ tỉnh táo: người bệnh có thể hiểu những hướng dẫn cần thiết để tham gia vào các hoạt động phục hồi chức năng.

- Cường độ của chương trình phục hồi chức năng.

- Các bệnh lý đi kèm

- Môi trường gia đình: như tay vịn cầu thang và thanh vịn có thể tăng tính độc lập và an toàn ở nhà.

- Sự hợp tác của gia đình và bạn bè: gia đình hỗ trợ có thể là một yếu tố rất quan trọng trong việc phục hồi chức năng, bởi lẽ đây là một quá trình lâu dài thường kéo dài trong nhiều tháng.

- Thời gian phục hồi chức năng: bắt đầu càng sớm thì cơ hội lấy lại các kỹ năng và chức năng đã mất và phục hồi thành công càng lớn.

Do đó chúng tôi không thể trả lời trọn vẹn câu hỏi của bạn, tùy tình trạng của bệnh nhân mà mức độ phục hồi sẽ khác nhau. Hy vọng những thông tin trên giúp ích bạn phần nào, chúc mẹ bạn mau bình phục!

Câu hỏi 2: Chế độ ăn uống như thế nào là tốt cho tim mạch?

Trả lời: Đối với một người bị bệnh tim, chế độ ăn uống là một vấn đề lớn. Cùng với các thói quen lành mạnh khác, nó có thể làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược một phần sự thu hẹp của động mạch vành (động mạch nuôi tim) và giúp ngăn ngừa các biến chứng sau này. Có 9 lưu ý cho bệnh nhân tim mạch:

1. Ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu. Mọi người nên ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật hơn bởi chúng giàu chất xơ và các chất dinh dưỡng khác. Lưu ý rằng bạn cũng không nên sử dụng quá nhiều chất béo hoặc pho mát khi nâu ăn, chế biến.

2. Điều chỉnh lượng calo chất béo một cách hợp lý bằng cách:

- Hạn chế chất béo dưới 35% tổng lượng calo mỗi ngày. Hạn chế chất béo bão hòa (có trong các sản phẩm động vật).

- Tránh chất béo chuyển hóa (trans fat) càng nhiều càng tốt. Chúng là một loại acid béo có thể làm tăng cholesterol có hại (LDL) và giảm cholesterol có lợi (HDL). Chúng được tìm thấy trong bơ, nước sốt salad, thực phẩm chế biến sẵn. Chúng xuất hiện trong thực phẩm chế biến thông qua cách sử dụng dầu thực vật, mỡ được hydro hóa (chiên ngập dầu, nướng....): mì gói, gà xối mỡ,…

- Khi sử dụng chất béo bổ sung để nấu ăn hoặc nướng, hãy chọn các loại dầu có nhiều chất béo không bão hòa đơn (ví dụ như dầu ô liu và đậu phộng) hoặc chất béo không bão hòa đa (chẳng hạn như dầu đậu nành, bắp ngô và hướng dương).

3. Đa dạng hóa các loại thực phẩm giàu đạm. Cân bằng bữa ăn với thịt nạc, cá và các nguồn đạm thực vật. Đối với đạm từ các nguồn động vật, lựa chọn nạc như thịt gà hoặc gà tây là tốt nhất.

4. Hạn chế cholesterol. Cholesterol có trong thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa giàu chất béo, cũng như tạng động vật (gan, ruột, bộ đồ lòng,...), da (gà, heo, vịt...) có thể làm tăng mức cholesterol trong máu, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao.

5. Ăn đúng loại tinh bột. Bao gồm các loại thực phẩm như gạo lứt, bột yến mạch, và khoai lang để bổ sung chất xơ và giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Tránh thức ăn có đường.

6. Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ, đều đặn (ví dụ 5-6 bữa ăn/ngày thay vì 3 bữa ăn/ngày). Điều này giúp những người bị bệnh tim kiểm soát lượng đường trong máu, đốt cháy chất béo hiệu quả hơn và điều chỉnh mức cholesterol. Kiểm tra khẩu phần ăn: có thể dùng chén, đĩa và ly nhỏ hơn, vì bạn có thể dễ dàng ăn nhiều hơn bạn nghĩ.

7. Cắt giảm lượng muối. Không dùng hơn 1 muỗng cà phê muối ăn 1 ngày (1 muỗng cà phê muối ăn = 5g muối ăn). Quá nhiều muối làm huyết áp khó kiểm soát, làm nặng thêm tình trạng suy tim.

8. Cung cấp đủ nước, nó giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và ăn ít hơn. Nên uống khoảng 1 đến 2 lít nước hàng ngày, trừ khi bác sĩ yêu cầu bạn hạn chế nước (ví dụ suy tim nặng cần hạn chế lượng dịch đưa vào cơ thể).

9. Nếu bệnh nhân có uống rượu bia thì khuyên dùng lượng cồn vừa phải, nam từ 20 – 30 g/ngày, nữ từ 10 – 20 g/ngày (ví dụ 1 lon bia 5 độ hay 5% 330ml = 5g x 3,3 = 16,5g. Nghĩa là nam giới chỉ uống được tối đa 1,5 lon bia/ngày, và nữ giới tối đa 1 lon bia/ngày).

(Ảnh minh họa) Các loại rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu

Câu hỏi 3: Anh của em vừa nhập viện do đột quỵ. Anh ấy khá gầy và không có biểu hiện về bệnh lý tim. Bác sĩ cho em hỏi tại sao anh em bị đột quỵ và các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ?

Trả lời: Thừa cân là một yếu tố nguy cơ của đột quỵ, có nghĩa là những người bị thừa cân hoặc béo phì sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người khác. Điều đó không có nghĩa là những người gầy không bị đột quỵ. Tương tự, nhiều bệnh lý tim mạch có thể dẫn đến đột quỵ và dù anh của bạn không có bệnh lý tim mạch vẫn có nguy cơ bị đột quỵ vì ngoài bệnh lý tim mạch, còn có nhiều nguyên nhân khác gây đột quỵ. Để bạn hình dung một cách tổng quát về các nhóm nguyên nhân chính gây đột quỵ, tôi xin chia sẻ một số thông tin sau:

Đột quỵ gồm 2 dạng chính: nhồi máu não và xuất huyết não. Và nguyên nhân nhồi máu não gồm: huyết khối tại mạch máu não, thuyên tắc từ nơi khác tới não (đa số xuất phát từ tim), giảm tưới máu hệ thống và các bệnh lý về huyết học. Còn nguyên nhân xuất huyết não: thường gặp là tăng huyết áp, chấn thương, sử dụng ma túy, dị dạng mạch máu não, vỡ phình mạch máu não.

Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ là gì?

- Các yếu tố nguy cơ về lối sống: thừa cân hoặc béo phì, ít vận động, uống nhiều rượu bia, sử dụng ma túy.

- Các yếu tố nguy cơ bệnh lý: huyết áp cao; hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động; rối loạn mỡ máu; bệnh tiểu đường; ngưng thở khi ngủ; bệnh tim mạch như: suy tim, bệnh tim bẩm sinh, nhiễm trùng trong tim hoặc nhịp tim bất thường (chẳng hạn như rung nhĩ); tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua; nhiễm covid-19.

Các yếu tố khác: tuổi tác (người từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ đột quỵ cao hơn những người trẻ tuổi), chủng tộc (người Mỹ gốc Phi có nguy cơ đột quỵ cao hơn những người thuộc các chủng tộc khác), giới tính (đàn ông có nguy cơ đột quỵ cao hơn phụ nữ, tuy nhiên phụ nữ khi bị đột quỵ thường lớn tuổi hơn và họ có nhiều khả năng chết vì đột quỵ cao hơn nam giới), nội tiết tố (sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone bao gồm estrogen làm tăng nguy cơ mắc bệnh).

Tài liệu tham khảo:

1.     Post-Stroke Rehabilitation. NIH Publication No. 20-NS-4846. April 2020

2.     James Beckerman, MD, FACC. Helping loved ones with heart disease eat right. WebMD on February 04, 2021.

3.     https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stroke/symptoms-causes/syc-20350113

4.     Kamel H, Bartz TM, Elkind MSV, et al. Atrial Cardiopathy and the Risk of Ischemic Stroke in the CHS (Cardiovascular Health Study). Stroke 2018; 49:980.

5.     Khuyến cáo về chẩn đoán, điều trị và dự phòng tăng huyết áp 2015/ Hội tim mạch học Việt Nam


Tác giả: BS. CKII. Nguyễn Trọng Luật

Bài viết liên quan

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: CÁC NGUY CƠ THẦM LẶNG DẪN ĐẾN ĐỘT QUỴ NÃO
Tháng 09/2024
PGS. TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Tim TP.HCM, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM