A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thuốc kháng đông ngừa đột quỵ, dùng sao cho đúng?

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

(Báo Sức khỏe & Đời sống) Thuốc kháng đông phòng ngừa huyết khối là giải pháp cho việc điều trị rung nhĩ vốn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ ở bệnh nhân cao tuổi. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc kháng đông yêu cầu người bệnh phải có sự hiểu biết, thận trọng và tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Đó là một trong những nội dung trọng yếu mà PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 đã mang đến cho khán giả trong buổi tư vấn trực tuyến chủ đề: "Đột quỵ có phải trời kêu ai nấy dạ?". Chương trình được thực hiện nhằm hưởng ứng Ngày Đột quỵ Thế giới, được phát sóng trên các trang fanpage VTV9 – Nhịp sống phương nam, báo Sức Khoẻ & Đời Sống và Vnexpress với sự đồng hành của Bayer Việt Nam.

Thuốc kháng đông ngừa đột quỵ, dùng sao cho đúng? - Ảnh 1.

Buổi tư vấn trực tuyến chủ đề: "Đột quỵ có phải trời kêu ai nấy dạ?" được phát sóng trên các trang fanpage VTV9 – Nhịp sống phương nam, báo Sức Khoẻ & Đời Sống và Vnexpress với sự đồng hành của Bayer Việt Nam.

Vai trò của thuốc kháng đông trong phòng ngừa đột quỵ 

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, đột quỵ là bệnh có nguyên nhân, có thể phòng ngừa và điều trị. Do đó, mọi người có thể chủ động trong việc tự bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Thuốc kháng đông ngừa đột quỵ, dùng sao cho đúng? - Ảnh 2.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ tại buổi trực tuyến

Một trong số nguyên nhân phổ biến gây đột quỵ là rung nhĩ. Đây là chứng rối loạn nhịp tim có tỷ lệ mắc tăng lên theo tuổi tác và dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ cao ở người trên 65 tuổi. Trong đó, biến chứng đáng sợ nhất của rung nhĩ là đột quỵ dạng thiếu máu não cục bộ hay còn gọi là nhồi máu não có thể gây ra tử vong nếu không chẩn đoán và xử lý kịp thời. Khi bị rung nhĩ, tâm nhĩ đập quá nhanh nên bơm máu không hiệu quả dẫn đến máu bị ứ trệ trong các buồng nhĩ, dễ có khuynh hướng tạo thành cục máu đông. Nếu cục máu đông vỡ ra, trôi theo dòng máu và đi đến não có thể làm tắc động mạch não gây ra đột quỵ.

Nhưng may mắn là phòng ngừa đột quỵ do rung nhĩ đơn giản hơn so với các nguyên nhân khác như cao huyết áp, tiểu đường bằng biện pháp sử dụng thuốc kháng đông máu. Thuốc kháng đông còn gọi là thuốc làm loãng máu, ngăn chặn quá trình hình thành cục máu đông, giảm nguy cơ nhồi máu não và các biến chứng nguy hiểm về tim mạch và chi. Đối với những người hồi phục sau đột quỵ, sử dụng thuốc kháng đông giảm đến 70% nguy cơ tái phát.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng nói thêm, trước đây, loại thuốc kháng đông thế hệ cũ khá bất tiện vì phải xét nghiệm, theo dõi liên tục mỗi tháng định kỳ để kiểm tra độ loãng máu có đạt yêu cầu hay không. Thuốc còn bị tương tác với thức ăn và do đó, bệnh nhân phải vô cùng thận trọng trong ăn uống, điều này gây ra những phiền toái, mệt mỏi kéo dài trong cuộc sống của người bệnh. Một người được chẩn đoán là rung nhĩ phải cần sử dụng thuốc kháng đông suốt đời, kéo theo chất lượng cuộc sống bị suy giảm. Thuốc kháng đông chỉ có tác dụng khi được bệnh nhân uống đều đặn, nếu ngưng thuốc, nguy cơ đột quỵ có khả năng quay trở lại và cao gấp 5 lần.

Tuy nhiên, với sự phát triển của y học, hiện thuốc kháng đông thế hệ mới với hiệu quả tương tự, thậm chí còn trội hơn mà không hề có sự bất tiện nói trên. Dùng loại thuốc kháng đông thế hệ mới, người bệnh không cần phải làm xét nghiệm thường xuyên. Thuốc không tương tác với thức ăn hàng ngày và người bệnh chỉ cần uống duy trì 1-2 viên/ngày theo chỉ định của bác sĩ, tương tự như thuốc huyết áp. Điều này khiến cho việc phòng ngừa đột quỵ do nguyên nhân rung nhĩ trở nên thuận tiện hơn.

Những điều cần biết khi sử dụng thuốc kháng đông thế hệ mới

Trong buổi tư vấn, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cho rằng, nếu có điều kiện, người bệnh nên dùng thuốc kháng đông mới để đạt hiệu quả và không cần phải vất vả theo dõi, xét nghiệm như trước. Thuốc kháng đông mới cũng đã có trong danh mục thuốc của bảo hiểm y tế, giúp người dân được tiếp cận với phương pháp điều trị, chăm sóc y tế tiên tiến hơn.

Thuốc kháng đông ngừa đột quỵ, dùng sao cho đúng? - Ảnh 3.

Người dân có thể truy cập để có thêm thông tin liên quan bệnh đột quỵ tại trang chính thức của Bộ Y Tế -  www.kcb.dotquy.vn

Về cách thức sử dụng thuốc đảm bảo an toàn và hiệu quả, các bệnh nhân rung nhĩ và đang được bác sĩ chỉ định uống thuốc kháng đông cần thực hiện những nguyên tắc sau trong quá trình sử dụng thuốc:

Luôn tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ trong sử dụng thuốc.

Người bệnh cần uống thuốc đều đặn, đúng liều lượng vào thời điểm cố định trong ngày. Tuyệt dối không ngưng sử dụng thuốc đột ngột vì bất cứ lý do gì nếu chưa có ý kiến của bác sĩ.

Theo dõi tác dụng phụ của thuốc kháng đông như các triệu chứng chảy máu có thể gặp và tái khám ngay nếu có các dấu hiệu nôn ra máu, tiêu phân đen sệt hoặc có lẫn máu; chảy máu chân răng; đau bụng, chóng mặt hoặc đau đầu dữ dội…

Người bệnh cần tránh các hoạt động có nguy cơ chảy máu như vận động mạnh hoặc các môn thể thao mạnh, đối kháng có nguy cơ chấn thương và chảy máu. Cần lập tức đi khám ngay khi bị chấn thương, ngã, tai nạn, đặc biệt là tai nạn vùng đầu, và thông báo với nhân viên y tế rằng người bệnh có dùng thuốc kháng đông.

Cần chăm sóc răng miệng cẩn thận. Người bệnh nên dùng bàn chải mềm, dao cạo râu điện, chỉ nha khoa; không dùng tăm xỉa răng để tránh chảy máu vùng răng miệng. 

Nếu cần sử dụng đồng thời các loại thuốc khác, người bệnh nên thông báo và hỏi ý kiến bác sĩ. Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc kháng đông. Mặt khác, trước khi được kê đơn thuốc khác đông, người nhà bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc kê đơn, không kê đơn, kể cả vitamin, thảo dược và thực phẩm chức năng. Người bệnh không nên tự ý uống hoặc ngưng bất cứ loại thuốc nào khác khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Hà Nguyên


Bài viết liên quan

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: CÁC NGUY CƠ THẦM LẶNG DẪN ĐẾN ĐỘT QUỴ NÃO
Tháng 10/2024
PGS. TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Tim TP.HCM, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM