A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

70% nguy cơ đột quỵ có thể phòng ngừa

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

[Vnexpress] Đột quỵ xảy ra do cao huyết áp, tiểu đường, rung nhĩ...; bệnh có thể kiểm soát nếu thăm khám định kỳ, dùng thuốc theo phác đồ, theo bác sĩ Nguyễn Huy Thắng.

Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột Quỵ TP HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM nhấn mạnh bệnh nhân đột quỵ cần tuân thủ phác đồ điều trị, bởi đây là căn bệnh rất đáng báo động hiện nay.

- Vì sao đột quỵ là một trong những mối e ngại tới sức khỏe cộng đồng?

- Đột quỵ (tai biến mạch máu não) gây ra nguy cơ tử vong và tàn phế. Thống kê của Bộ Y tế, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Đây là điều đáng lo ngại vì trên thế giới, căn bệnh này chỉ xếp thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong, cao nhất là bệnh lý tim mạch và ung thư. Có nghĩa là, tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong vì đột quỵ đứng hàng đầu, vượt qua ung thư và tim mạch.

Theo thống kê của Mỹ, cứ 10 người đột quỵ thì 7 người không thể quay trở lại công việc trước đây. Đó là gánh nặng cho bản thân bệnh nhân, gia đình và xã hội khi mất đi nguồn nhân lực rất lớn.

Ngoài ra, dù việc điều trị tốt nhưng nếu không phòng ngừa thì sẽ dẫn đến hậu quả là quá tải trong điều trị cấp, tạo nên gánh nặng cho ngành y tế.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng. Ảnh: Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM.

Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng. Ảnh: Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM.

- Nguyên nhân nào khiến cho các ca bệnh đột quỵ ngày một tăng?

- Lý do là chúng ta phòng ngừa đột quỵ không đúng mức hoặc không tuân thủ điều trị.

Trong nghiên cứu của chúng tôi thực hiện vào năm 2016 trên 3.600 bệnh nhân đột quỵ nhập viện tại Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM thời điểm đó, có khoảng 400 bệnh nhân bị đột quỵ liên quan đến rung nhĩ. Trong số 400 bệnh nhân này, chỉ có 2% bệnh nhân đang được phòng ngừa bằng cách sử dụng kháng đông (loại thuốc khuyến cáo để phòng ngừa đột quỵ trên các bệnh nhân rung nhĩ) và ngưỡng kháng đông được duy trì rất tốt. 98% bệnh nhân còn lại không được phòng ngừa bằng thuốc kháng đông hoặc phòng ngừa không đúng cách. Điều đó có nghĩa, nếu được phòng ngừa tốt hơn, có thể chúng ta đã giảm bớt rất nhiều số lượng bệnh nhân đột quỵ.

- Giải pháp nào có thể hạn chế số người mắc bệnh?

- Để giải quyết được gốc rễ gánh nặng điều trị đột quỵ, không gì tốt hơn là điều trị phòng ngừa, tức là kiểm soát tốt các nguyên nhân gây ra bệnh.

Phòng ngừa có hai dạng: tiên phát và thứ phát. Tiên phát là bệnh nhân chưa đột quỵ, chỉ có yếu tố nguy cơ như có rung nhĩ, cao huyết áp, tiểu đường. Trường hợp này, cần sử dụng thuốc để phòng ngừa đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai.

Phòng ngừa thứ phát là bệnh nhân đã có yếu tố nguy cơ rồi nhưng không nhận biết được hoặc không màng đến việc phòng ngừa, dẫn đến bị đột quỵ; sau khi đột quỵ may mắn phục hồi tốt, thoát khỏi nguy cơ tử vong, phải sử dụng thuốc để phòng ngừa biến cố đột quỵ tiếp theo.

Cả hai vấn đề tiên phát và thứ phát đều đã có đầy đủ cách sử dụng thuốc để giúp bệnh nhân giảm nguy cơ. Với bệnh nhân rung nhĩ, nếu tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc kháng đông với sự theo dõi thường xuyên của một bác sĩ chuyên khoa thì có thể giảm được đến 70% các biến cố đột quỵ trong tương lai - một sự giảm thiểu hết sức có ý nghĩa. Tương tự, nếu chúng ta kiểm soát huyết áp, tiểu đường, cholesterol trong máu thì có thể giảm được 65% các biến cố đột quỵ.

- Theo ông, vấn đề khó khăn trong việc phòng ngừa đột quỵ đến từ đâu?

- Trước đây bệnh được gọi là tai biến mạch máu não, sau là đột quỵ. Điều này không phải ngẫu nhiên mà bởi tính chất bệnh xảy ra đột ngột, không thể dự đoán trước. Chúng ta chỉ có thể nhìn được nguy cơ ở nhóm bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ và phòng ngừa đột quỵ chứ không thể nói chính xác bệnh nhân sẽ bị đột quỵ ngày mai, tuần sau, tháng sau.

Nguy hiểm hơn, rung nhĩ, cao huyết áp, tiểu đường - những nguyên nhân gây ra đột quỵ là những sát thủ giấu mặt. Các bệnh này có triệu chứng rất mơ hồ và đa số trường hợp là không có triệu chứng. Ví dụ bệnh cao huyết áp giai đoạn sau gần như không có triệu chứng. Một bệnh nhân đến khám bác sĩ, huyết áp 200-240 mmHg nhưng vẫn khẳng định "tôi hoàn toàn khỏe mạnh". Người đường huyết cao nhưng không có cảm giác gì hay bị rung nhĩ mà vẫn bình thường nếu không có bệnh lý kèm theo.

Việc phòng ngừa chỉ có hiệu quả khi phát hiện sớm, kiểm soát sớm, khởi trị sớm. Điều này không chỉ phụ thuộc vào ngành y tế mà còn được quyết định bởi ý thức của bệnh nhân. Hiện nay, người dân rất ít có ý thức khám sức khỏe định kỳ, trong khi việc tầm soát có ý nghĩa rất quan trọng vì giúp phát hiện sớm các bệnh lý. Chúng ta hầu hết chữa cho bệnh nhân ở giai đoạn đã có tổn thương ở cơ quan đích, tức là đã có biến chứng rồi chứ không phải là người vừa mới khởi điểm.

Theo thống kê của WHO, tỷ lệ mới mắc đột quỵ tại châu Âu, Mỹ giảm gần 50% mỗi năm. Trong khi đó, với những nước đang phát triển, như khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ đột quỵ tăng gấp đôi. Lý do bởi họ tầm soát và kiểm soát các yếu tố nguy cơ rất sớm, trước khi nó gây ra hậu quả. Trong khi chúng ta lại chờ đến khi xảy ra hậu quả rồi mới quay trở lại tìm nguyên nhân.

- Ông đánh giá thế nào về vấn đề tuân thủ điều trị của bệnh nhân?

- Hiện nay, yêu cầu bệnh nhân tuân thủ điều trị gần như rất khó. Việc khám sức khỏe thường xuyên giúp chúng ta phát hiện bệnh tật sớm, nhưng khi phát hiện rồi, chúng ta có điều trị tốt hay không, có uống thuốc đều hay không, theo dõi với một bác sĩ hay không?

Hầu hết bệnh nhân sau khi điều trị ổn lại tự mua thuốc theo toa cũ. Đôi khi có trường hợp, bác sĩ cho toa thuốc bốn loại, bệnh nhân đọc và nghĩ rằng cao huyết áp là quan trọng nhất, thế nên chỉ mua thuốc huyết áp thôi, không cần mua ba loại còn lại. Những câu chuyện này thể hiện việc người bệnh không tuân thủ đúng theo khuyến cáo điều trị của bác sĩ.

Tuân thủ ở đây bao gồm, uống đủ loại thuốc, đủ thời gian. Hiện nay, tất cả bệnh lý gây ra đột quỵ gần như phải duy trì thuốc suốt đời. Như cao huyết áp, không thể điều trị dứt, chỉ có thể sử dụng thuốc để kiểm soát mức huyết áp. Đường huyết cũng vậy, để hữu hiệu cần tuân thủ điều trị và sử dụng thuốc lâu dài, nếu chỉ điều trị trong thời gian vài tháng, sau đó ngưng thì sẽ trở về như cũ.

Mỗi loại thuốc sẽ có một hiệu quả riêng. Điều trị phòng ngừa đột quỵ đòi hỏi sự toàn diện, không chỉ về mặt thời gian mà còn phải kiểm soát tốt, toàn diện, lâu dài các yếu tố nguy cơ thì mới đạt hiệu quả cao.

- Hiện nay Việt Nam có những tiến bộ nào trong công tác điều trị đột quỵ?

- Phần lớn bệnh viện thường nhập chung khoa Đột quỵ với Thần kinh, một số bệnh viện khác là khoa Tim mạch. Điều đó có nghĩa là một bác sĩ có thể điều trị bệnh lý tim mạch, thần kinh và chung cả đột quỵ. Việc tách riêng thành một đơn vị đột quỵ như tại Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM hết sức quan trọng, thể hiện sự chuyên nghiệp trong điều trị bệnh nhân.

Tại đây, bác sĩ, y tá chỉ chăm sóc cho bệnh nhân đột quỵ, giúp chuyên nghiệp hóa về mặt kỹ năng, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, tạo nền tảng phát triển những kỹ thuật điều trị đặc hiệu. Hiện nay, trên thế giới có những kỹ thuật mới nhất như tiêu sợi huyết tĩnh mạch, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học... Tất cả những kỹ thuật mới này, chúng tôi là nơi đầu tiên của Việt Nam ứng dụng.

Ngoài ra, trên thế giới, trong 2-3 năm gần đây có những kỹ thuật mới là dùng "RAPID" - phần mềm chuyên dụng giúp đánh giá chính xác vùng thiếu máu não, từ đó có thể mở rộng cửa sổ thời gian điều trị lấy huyết khối lên đến 24 giờ đối với các bệnh nhân đủ tiêu chuẩn. Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM đã sử dụng phần mềm RAPID từ năm 2019, đến nay đã áp dụng cho trên 500 bệnh nhân.

Có nghĩa là, trước năm 2019, với chính những bệnh nhân này sẽ không được can thiệp lấy khối vì đã trễ cửa sổ thời gian thường quy 0-6 giờ. Nhờ vào kỹ thuật mới, sử dụng phương tiện chuẩn đoán hình ảnh hiện đại có thể cho họ thêm một cơ hội mở rộng "cửa sổ thời gian" 6-24 giờ trên một số bệnh nhân đủ điều kiện. Đây là kỹ thuật rất mới, không chỉ ở riêng Việt Nam và cả Mỹ, các nước châu Âu, kỹ thuật này chỉ áp dụng được ở những trung tâm kỹ thuật rất cao.

Thảo Trang


Bài viết liên quan

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: CÁC NGUY CƠ THẦM LẶNG DẪN ĐẾN ĐỘT QUỴ NÃO
Tháng 11/2024
PGS. TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Tim TP.HCM, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM