Nguy Cơ Đột Quỵ Gia Tăng Ở Người Cao Tuổi
Sau 55 tuổi, cứ liên tiếp 10 năm, tỷ lệ đột quỵ sẽ tăng gấp đôi ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, đột quỵ không phải là hệ quả tất yếu của quá trình lão hóa. Bằng cách xác định và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ ở người cao tuổi, bệnh nhân có thể hợp tác với các bác sĩ để giảm tỷ lệ mắc phải bệnh tật và tử vong liên quan đến đột quỵ.
Nguyên nhân gia tăng đột quỵ ở người lớn tuổi
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 2 trên thế giới và là nguyên nhân hàng đầu gây thương tật nghiêm trọng, lâu dài nếu bị mắc phải. Đây là tình trạng rối loạn chức năng thần kinh khu trú đột ngột do tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu lên não. Sự gián đoạn tuần hoàn này dẫn đến chết tế bào não do không được cung cấp oxy kịp thời, bằng chứng là các dấu hiệu lâm sàng dai dẳng và các bất thường về hình ảnh thần kinh đặc trưng của nhồi máu não. Tùy thuộc vào mức độ và vị trí tổn thương của mô não, đột quỵ có thể ảnh hưởng đến hoạt động thể chất, tinh thần và xã hội của cá nhân ở nhiều cấp độ khác nhau.
Cùng với sự lão hóa, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và rối loại chức năng (cao huyết áp, đái tháo đường và rối loạn mỡ máu) tăng theo tuổi tác khiến người cao tuổi có nhiều khả năng bị đột quỵ hơn. Sau 55 tuổi, cứ liên tiếp 10 năm, tỷ lệ đột quỵ sẽ tăng gấp đôi ở cả nam và nữ. Gần 3/4 số ca đột quỵ xảy ra ở những người trên 65 tuổi. Tỷ lệ mắc đột quỵ ở nam giới cao hơn 1,25 lần, nhưng do phụ nữ có xu hướng sống lâu hơn nam giới nên số phụ nữ chết vì đột quỵ nhiều hơn nam giới mỗi năm1.
(Ảnh minh họa) Tỷ lệ mắc bệnh tim mạch tăng theo tuổi tác khiến người cao tuổi có nhiều khả năng bị đột quỵ hơn
Tuổi tác là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ. Tuy nhiên, đột quỵ không phải là hệ quả tất yếu của quá trình lão hóa. Bằng cách xác định và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ, người cao tuổi có cơ hội giảm tỷ lệ mắc và tử vong gây ra do đột quỵ.
Phòng ngừa đột quỵ ở người lớn tuổi
Để việc phòng ngừa đột quỵ ở người cao tuổi mang lại kết quả tốt nhất, bác sỹ sẽ tư vấn và chỉ định nhiều phương pháp điều trị khác nhau bao gồm biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Các biện pháp dùng thuốc gồm có:
- Kiểm soát tăng huyết áp
- Giải quyết rối loạn mỡ máu
- Quản lý bệnh đái tháo đường
- Dùng thuốc chống đông theo chỉ định của bác sĩ (Ví dụ: ở người có bệnh rung nhĩ)
(Ảnh minh họa) Tăng cường tập thể dục đều đặn phòng ngừa đột quỵ ở người lớn tuổi
Bên cạnh đó một số biện pháp không dùng thuốc như:
- Tăng cường tập thể dục
- Chế độ ăn uống lành mạnh
- Cai thuốc lá
- Không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích
Việc tuân thủ các biện pháp trên rất quan trọng ở người cao tuổi, đặc biệt là bệnh nhân bị rung nhĩ. Do rung nhĩ là rối loạn nhịp tim liên quan nhiều nhất đến đột quỵ tắc mạch máu não hay nhồi máu não ở những người dưới 75 tuổi. Tuy vậy, nếu tuân thủ dung thuốc chống đông theo đơn của bác sĩ đã giúp phòng ngừa 60-70% nguy cơ đột quỵ.
Không những vậy, người cao tuổi thường không nhận biết được các triệu chứng mới khởi phát của đột quỵ, mà quy chúng với các bệnh khác (viêm khớp, suy nhược, đau đầu hoặc mệt mỏi) và chủ quan không áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Điều này khiến tỷ lệ đột quỵ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong tăng cao. Vậy nên chúng ta cần nhận biết sớm các triệu chứng đột quỵ (thông qua nguyên tắc B.E F.A.S.T) để tiếp cận với các phương pháp đánh giá và cấp cứu, điều trị khẩn cấp cũng như tham gia vào quá trình phục hồi chức năng toàn diện. Điều này đóng góp 1 phần không nhỏ trong việc cứu sống cũng như hồi phục sau đột quỵ của người cao tuổi.
(Ảnh minh họa) Nguyên tắc BEFAST giúp nhận biết và phát hiện sớm các triệu chứng đột qụy
Hãy thường xuyên ghé thăm web và fanpage Phòng chống Đột quỵ để cập nhật những thông tin mới nhất giúp bạn và người thân ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ hoặc tái phát đột quỵ. Điều đơn giản nhất để bảo vệ cộng đồng rời xa căn bệnh nguy hiểm này là sự chia sẻ của bạn với những nội dung liên quan. Stroke Free chân thành cảm ơn sự quan tâm và ủng hộ của quý bạn đọc.
Ban Biên Tập
Tài liệu tham khảo:
- Mohammed Yousufuddin and Nathan Young, Aging and ischemic stroke, 2019 May 15; 11(9): 2542–2544.