A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thiết Bị Theo Dõi Và Chẩn Đoán Rối Loạn Nhịp Tim

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Với một số bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim không xuất hiện triệu chứng hoặc triệu chứng không xuất hiện thường xuyên có thể được bác sĩ chỉ định điện tâm đồ (ECG hoặc EKG) hoặc các thiết bị theo dõi di động để chẩn đoán rối loạn nhịp của bạn.

ThS. BS. Phan Tuấn Đạt

Viện Tim mạch Quốc Gia – Bệnh viện Bạch Mai

Với một số bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim không xuất hiện triệu chứng hoặc triệu chứng không xuất hiện thường xuyên có thể được bác sĩ chỉ định điện tâm đồ (ECG hoặc EKG) hoặc các thiết bị theo dõi di động để chẩn đoán rối loạn nhịp của bạn.

(Ảnh minh họa) Rối loạn nhịp tim là tình trạng bất thường nhịp đập có thể gây nguy hiểm cho người mắc.

Rối loạn nhịp tim là gì?

Rối loạn nhịp tim là tình trạng bất thường nhịp đập của tim, có thể lành tính hoặc ác tính. Rối loạn nhịp có thể xuất hiện trong thời gian ngắn hoặc kéo dài với biểu hiện tần số tim rất chậm/rất nhanh hoặc đôi khi có thể biến đổi thất thường.

Có nhiều loại rối loạn nhịp tim khác nhau. Trong đó rung nhĩ cũng là một loại rối loạn nhịp thường gặp và có tỷ lệ mắc tăng lên theo tuổi. Chỉ có khoảng 1% rung nhĩ ở các bệnh nhân tuổi < 60 trong khi đó có tới 12% ở độ tuổi từ 75-84 và thậm chí tới hơn 1/3 số bệnh nhân từ 80 tuổi trở lên mắc rung nhĩ. Tại Hoa Kỳ, theo thống kê cho thấy có 2% bệnh nhân < 65 tuổi bị rung nhĩ, tỉ lệ này là 9% ở các bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên.

Rung nhĩ ảnh hưởng từ 2,7 đến 6,1 triệu người Mỹ trưởng thành và con số này theo dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vòng 25 năm tới. Theo các nghiên cứu, người mắc rung nhĩ có nguy cơ đột quị tăng gấp 5 lần và tỉ lệ này còn tiếp tục tăng theo tuổi.

(Ảnh minh họa) Người bị rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần.

Ở bệnh nhân rung nhĩ, máu bị quẩn lại trong tâm nhĩ sẽ hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông xuất hiện trong tâm nhĩ trái có thể thoát ra khỏi buồng tim và gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là cục máu đông di chuyển làm tắc nghẽn dòng máu nuôi nhu mô não dẫn đến tai biến mạch máu não. Mỗi năm có hơn 3 triệu bệnh nhân đột quỵ liên quan đến rung nhĩ trên toàn cầu. Không chỉ vậy cục máu đông cũng có thể làm tắc nghẽn dòng máu tới nuôi các cơ quan khác gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng của bệnh rung nhĩ.

Một số triệu chứng thường gặp nhất ở người bệnh rung nhĩ như:

- Mệt mỏi

- Chóng mặt

- Tim đập nhanh

- Khó thở

- Đau ngực

Trong một số trường hợp, rung nhĩ có thể gây ra đột tử. Bởi vậy người bệnh cần để ý các triệu chứng và đi khám ngay khi thấy nghi ngờ để có những chẩn đoán và điều trị kịp thời.

(Ảnh minh họa) Người bệnh cần đi khám ngay khi thấy có cái triệu chứng nghi ngờ mắc rung nhĩ.

Các phương pháp giúp theo dõi và phát hiện rối loạn nhịp tim

Bác sỹ có thể chỉ định điện tâm đồ (ECG hoặc EKG) để chẩn đoán rối loạn nhịp của bạn. Các điện cực được gắn trên thành ngực và tứ chi để ghi lại các hoạt động điện của tim. Điện tâm đồ thường được thực hiện tại phòng khám hoặc bệnh viện nhưng cũng có thể được thực hiện ngay tại nhà.

Tuy nhiên với một số trường hợp các triệu chứng xuất hiện không thường xuyên thì điện tâm đồ tiêu chuẩn có thể không ghi lại được rối loạn nhịp. Bác sỹ sẽ chỉ định sử dụng các thiết bị ghi điện tâm đồ di động để theo dõi bất thường nhịp tim. Có một số loại khác nhau:

Holter điện tâm đồ  

Máy holter điện tâm đồ là thiết bị di động cho phép theo dõi nhịp tim liên tục, thường trong thời gian từ 24 đến 48 giờ. Một số máy holter điện tâm đồ thế hệ mới có thể cho phép theo dõi nhịp tim liên tục kéo dài hàng tuần.

(Ảnh minh họa) Bác sĩ chỉ định điện tâm đồ để chẩn đoán rối loạn nhịp.

Thiết bị theo dõi sự kiện tim

Thiết bị theo dõi sự kiện tim tương tự như Holter điện tâm đồ, nhưng nó được sử dụng để theo dõi lâu dài các triệu chứng liên quan tới rối loạn nhịp tim, đặc biệt khi các triệu chứng này xuất hiện không thường xuyên.

Bệnh nhân sẽ mang thiết bị có kích thước tương tự một miếng dán để theo dõi trong thời gian dài, thường là khoảng 30 ngày, để ghi lại nhịp tim khi triệu chứng xuất hiện. Một số thiết bị có tính năng gửi hình ảnh điện tâm đồ trực tiếp tới điện thoại di động của bác sỹ.

Thiết bị theo dõi sự kiện tim cũng có một số loại khác nhau như loại mang theo người hoặc loại được cấy dưới da:

- Máy theo dõi điện tâm đồ liên tục (Loop memory monitor)

Máy theo dõi điện tâm đồ liên tục giúp lưu lại thông tin về nhịp tim của bạn trước và trong thời gian xuất hiện các triệu chứng.

- Miếng dán theo dõi điện tim

Miếng dán theo dõi điện tim là thiết bị theo dõi được dán trên cơ thể, vùng ngực.

- Thiết bị theo dõi triệu chứng

Đây là một loại thiết bị di động, thiết bị này sẽ được khởi động và đặt lên vùng ngực khi xuất hiện các triệu chứng để theo dõi và ghi lại các rối loạn nhịp tim.

(Ảnh minh họa) Các thiết bị di dộng giúp ghi lại chính xác nhịp tim khi triệu chứng xuất hiện.

- Máy theo dõi điện tâm đồ liên tục dạng cấy dưới da (Implanted loop recorder)

Thiết bị này có kích thước nhỏ gọn được cấy dưới da để theo dõi các rối loạn nhịp tim, có thể giúp theo dõi điện tâm đồ trong thời gian dài, lên tới 3 năm.

Các thiết bị theo dõi thế hệ mới

Ngày nay, chúng ta cũng có thể sử dụng điện thoại và đồng hồ thông minh để ghi lại và chuyển hình ảnh điện tâm đồ trực tiếp tới bác sỹ.

Năm 2018, hãng Apple giới thiệu đồng hồ thông minh Apple Watch Series 4, đây là đồng hồ thông minh đầu tiên có thể giúp ghi lại hoạt động điện của tim, giúp phát hiện các rối loạn nhịp tim và ghi lại các biến cố tim mạch liên quan. Công nghệ dữ liệu đám mây giúp tạo ra kho lưu trữ ảo và chia sẻ các thông tin y khoa trên nguyên tắc bảo mật.

(Ảnh minh họa) Đồng hồ thông minh Apple Watch ghi lại hoạt động điện của tim.

Một số thiết bị đã được FDA chứng nhận có thể sử dụng kết hợp cùng với đồng hồ thông minh Apple và iPhone để phát hiện các rối loạn nhịp tim.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Phạm Quốc Khánh, Nguyễn Lân Việt. Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị rung nhĩ. Hội Tim Mạch Học Việt Nam 2016.

https://www.scripps.org/news_items/6973-what-heart-monitor-is-best-at-detecting-irregular-heartbeats

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/atrial-fibrillation/in-depth/stroke-risk-atrial-fibrillation/art-20118481

https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions/f/familial-arrhythmia-syndromes.html

PGS.TS Vũ Minh Phúc: Hiểu biết mới về cơ sở di truyền của những hội chứng loạn nhịp tim

https://www.reviewsbreak.com/best-ecg-smartwatch/

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/atrial-fibrillation/expert-answers/diet-atrial-fibrillation/faq-20118479

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5673348/

 


Tác giả: ThS. BS. Phan Tuấn Đạt

Bài viết liên quan

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: CÁC NGUY CƠ THẦM LẶNG DẪN ĐẾN ĐỘT QUỴ NÃO
Tháng 12/2024
PGS. TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Tim TP.HCM, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM