A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh Nhân Mắc Rung Nhĩ Có Nguy Cơ Đột Quỵ Cao Gấp 5 Lần

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Rung nhĩ là một dạng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất, biểu hiện bằng triệu chứng nhịp tim không đều. Theo thống kê vào năm 2017[1], toàn thế giới có 37,574 triệu người mắc rung nhĩ, chiếm 0,51% dân số thế giới, tăng 33% so với 20 năm trước đó, và dự đoán đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng hơn 60%.

ThS. BS. Vương Anh Tuấn

Khoa Nội Tim mạch – Bệnh viện Chợ Rẫy

Ảnh minh họa: Dự đoán năm 2050, tỷ lệ người mắc bệnh rung nhĩ sẽ tăng hơn 60%

Rung nhĩ là gì?

Rung nhĩ là bệnh lý gây ra do các rối loạn về điện học trong tim, hậu quả hai tâm nhĩ (hai buồng ở phía trên tim) co bóp không đều, dẫn đến tim bơm máu ra ngoài không hiệu quả, lượng máu bị tồn đọng lại trên hai tâm nhĩ tạo cục máu đông. Cục máu đông này di chuyển trong hệ tuần hoàn, đến bất cứ nơi đâu trong cơ thể, nhưng nặng nề nhất, cục máu đông di chuyển đến não, gây đột quỵ thiếu máu não – hay còn gọi là nhồi máu não. Rung nhĩ gia tăng theo tuổi và có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, …. ¼ số bệnh nhân trên 40 tuổi bị đột quỵ là do rung nhĩ. Những bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 5 lần so với những bệnh nhân không có. Đột quỵ do rung nhĩ thường diễn tiến nặng, tỷ lệ tử vong và tàn phế cao, dẫn đến chi phí chăm sóc và điều trị gia tăng. 20 năm qua, tỷ suất đột quỵ ở Việt Nam tăng đáng kể từ 213,58/100.000 người/năm (1990) lên đến 254,78/100.000 người/năm (2010) [2]. Mỗi năm Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ mới mắc, 11.000 người tử vong. Triệu chứng của đột quỵ biểu hiện qua FAST:

  • Face (mặt) - Đầu tiên là biến đổi ở mặt, bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.
  • Arms (tay) - Yếu liệt tay chân. Đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó
  • Speech (lời nói) - Có thể nói và nhắc lại một câu đơn giản được không? có nói lắp hoặc nói kỳ lạ (khó hiểu) hay không?
  • Time (thời gian) - Thời gian đột quỵ được tính tới từng giây từng phút. Nếu phát hiện được bất cứ dấu hiệu nào thì gọi số 115 hoặc số dịch vụ y tế cấp cứu tại địa phương bạn ngay lập tức.

Ngăn ngừa đột quỵ nhờ kiểm soát rung nhĩ

Điều trị rung nhĩ, ngoài kiểm soát các triệu chứng, việc dự phòng đột quỵ đóng vai trò quan trọng. Đột quỵ do rung nhĩ có liên quan đến một số yếu tố gia tăng khả năng hình thành cục máu đông: tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, lớn tuổi, bệnh mạch vành, bệnh lý mạch máu ngoại biên, có tiền sử đột quỵ hoặc huyết khối tắc mạch. Nguy cơ đột quỵ được đánh giá dựa vào thang điểm CHA2DS2-VASc.

Khi thang điểm trên từ 2 điểm, bác sỹ sẽ sử dụng thuốc chống đông để dự phòng đột quỵ. Thuốc chống đông là loại thuốc kéo dài thời gian đông máu, từ đó ngừa sự hình thành cục máu đông xuất hiện trong buồng tim. Nói một cách dễ hiểu, người ta còn gọi là thuốc “loãng máu”, tuy rằng thật sự máu không được làm loãng đi. Sử dụng thuốc chống đông sẽ giúp bệnh nhân rung nhĩ giảm 50-70% nguy cơ mắc đột quỵ. Thuốc chống đông gồm 2 loại: thế hệ “cũ” - kháng vitamin K và thế hệ “mới”. Thuốc kháng vitamin K có một số tên thường dùng trên thị trường: acenocoumarol, coumadin, acenocoumarol. Việc sử dụng kháng vitamin K mang nhiều bất lợi: tương tác với thức ăn, liều sử dụng thay đổi, cần xét nghiệm máu nhiều lần để điều chỉnh liều, hiệu quả kháng đông thường không ổn định. Thuốc chống đông thế hệ “mới” gồm một số loại sẵn có tại Việt Nam: Rivaroxaban, dabigatran; loại này đã khắc phục được những nhược điểm của loại kháng vitamin K: không cần xét nghiệm thường xuyên, liều dùng cố định, ít tương tác với đồ ăn...

Bên cạnh đó, để giảm nguy cơ đột quỵ, chúng ta cần tuân thủ các hướng dẫn chung: tuân thủ sử dụng thuốc theo toa, kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu tốt..

Ảnh minh họa: Tuân thủ phác đồ điều trị giảm nguy cơ đột quỵ khi mắc bệnh rung nhĩ

Chìa khoá vàng trong phòng ngừa đột quỵ do rung nhĩ là sự tuân thủ điều trị của người bệnh. Điều trị chống đông không phù hợp ở bệnh nhân rung nhĩ có thể dẫn đến kết cục xấu hơn: chảy máu, tử vong và nguy cơ tàn tật do đột quỵ cao hơn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kém tuân thủ điều trị, trong đó một số lý do thường gặp là điều trị phức tạp: nhiều thuốc, dùng nhiều lần/ngày, nhiều tác dụng phụ, thuốc có mùi/vị khó chịu, thay đổi thuốc sau mỗi lần tái khám…. hoặc bệnh nhân được giáo dục sức khỏe chưa tốt: sợ phụ thuộc thuốc, hiểu sai về bệnh, không chấp nhận bệnh tật mình có, không có niềm tin vào việc sử dụng thuốc… Chính vì vậy, để gia tăng sự tuân thủ điều trị trên bệnh nhân rung nhĩ, nhằm đạt được hiệu quả dự phòng đột quỵ lâu dài, thuốc chống đông thế hệ mới được lựa chọn giúp tăng tỷ lệ tuân thủ điều trị qua việc sử dụng liều cố định, không cần xét nghiệm theo dõi, ít tương tác thuốc. Đồng thời, việc tổ chức giáo dục bệnh nhân qua truyền thông, sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân, cũng giúp tăng cường nhận thức của bệnh nhân về bệnh và phác đồ điều trị.

Việc điều trị có thành công hay không là tùy thuộc vào bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn còn gặp phải mốt số sai lầm đáng kể khi sử dụng thuốc theo toa của bác sỹ. Bệnh nhân không hiểu rõ về bệnh, cứ nghĩ thuốc dùng hết toa thì không dùng nữa, hoặc nghĩ mình sử dụng thuốc đã khỏe lại thì hết bệnh nên tự ngưng thuốc, sau một thời gian bệnh trở nặng hơn lúc đầu và phải nhập viện. Chính sự không hiểu biết về bệnh gây gia tăng tỷ lệ nhập viện cũng như hậu quả xấu cho bệnh nhân. Ngoài ra, trên toa thuốc có ghi rõ liều dùng, hàm lượng, số lần dùng trong ngày, một số bệnh nhân có thể dùng quá liều, tự dồn lại dùng 1 lần, hoặc dùng cách ngày, 1 ngày dùng, 1 ngày nghỉ, điều này hoàn toàn sai lầm, làm mất hiệu quả của thuốc và tăng tác dụng phụ. Vậy nên việc tư vấn cho bệnh nhân về tình trạng bệnh, phương pháp điều trị cũng như các biến chứng có thể xảy ra là điều hết sức cần thiết, giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh cũng như tuân thủ việc điều trị. Bên cạnh đó, việc bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc với số lần dùng trong ngày ít hơn, chi phí thấp hơn cũng giúp cho bệnh nhân tăng sự tuân thủ.


[1] Global epidemiology of atrial fibrillation: An increasing epidemic and public health challenge

Giuseppe Lippi, Fabian Sanchis-Gomar, Gianfranco Cervellin

[2] Theo Cổng Thông tin điện tử, ngành y tế TPHCM: http://www.medinet.hochiminhcity.gov.vn

 


Tác giả: ThS. BS. Vương Anh Tuấn
Khoa Nội Tim mạch - Bệnh viện Chợ Rẫy
Khoa Nội Tim mạch - Bệnh viện Chợ Rẫy

Bài viết liên quan

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: CÁC NGUY CƠ THẦM LẶNG DẪN ĐẾN ĐỘT QUỴ NÃO
Tháng 12/2024
PGS. TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Tim TP.HCM, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM