Chủ Động Phòng Tránh, Hạn Chế Biến Chứng Do Đột Quỵ
Theo các nhà khoa học của Đại học Cambridge và Đại học Havard, việc tuân thủ điều trị phòng ngừa đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ làm giảm đáng kể khả năng bị đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ. 80-90% nguy cơ đột quỵ có thể phòng tránh được chỉ với các phương cách đơn giản.
ThS. BS. Nguyễn Đức Khánh
Khoa phòng khám Tim mạch – Bệnh viện Đại học Y Dược
(Ảnh minh họa) Đột quy là nguyên nhân tử vong và tàn phế hàng đầu tại Việt Nam.
Đột quỵ là nguyên nhân tử vong và tàn phế hàng đầu tại Việt Nam trong 10 năm qua. Không chỉ gia tăng tỷ lệ tử vong, đột quỵ còn để lại những di chứng nặng nề và ảnh hưởng lớn đến gia đình, cộng đồng và xã hội. Bất cứ ai cũng đều có thể trở thành nạn nhân của đột quỵ bởi vậy mỗi cá nhân cần chủ động thay đổi lối sống theo chiều hướng tích cực để giúp phòng ngừa đột quỵ, hạn chế những biến chứng nguy hại có thể xảy ra. Theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành, 80-90% đột quỵ có thể phòng tránh được chỉ với các phương cách đơn giản. Hãy tuân theo những lời khuyên sau của bác sĩ để chủ động phòng tránh biến chứng nguy hiểm của đột quỵ có thể xảy ra.
Làm thế nào để phòng tránh đột quỵ? [1]
1. Tập thể dục đều đặn: Chỉ cần 30 phút tập thể dục với tần suất năm lần một tuần có thể giảm 25% nguy cơ đột quỵ.
2. Chế độ ăn khỏe mạnh: Lựa chọn thực phẩm tốt sẽ giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý, giảm huyết áp và giảm cholesterol. Chế độ ăn tốt nhất để phòng ngừa đột quỵ là ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật với một lượng nhỏ thịt và cá.
(Ảnh minh họa) Chế độ ăn hợp lý giảm huyết áp và giảm cholesterol để phòng ngừa đột quỵ
3. Giảm cân: Thừa cân là một trong mười yếu tố nguy cơ hàng đầu và có liên quan đến gần 1/5 số ca đột quỵ. Duy trì cân nặng hợp lý sẽ giúp bạn giảm nguy cơ đột quỵ.
4. Nhận biết và điều trị rung nhĩ: Rung nhĩ là tình trạng nhịp tim không đều và thường nhanh. Đây là yếu tố nguy cơ chính, tăng gấp 5 lần nguy cơ bị đột quỵ. Đột quỵ do rung nhĩ có nhiều khả năng gây tử vong hoặc gây ra các di chứng nghiêm trọng.
5. Ngưng hút thuốc: Một người hút 20 điếu thuốc mỗi ngày có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 6 lần so với người không hút thuốc.
6. Hạn chế uống rượu: Uống quá nhiều rượu thường xuyên hoặc uống quá mức cho phép có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
7. Kiểm soát Cholesterol máu: Đột quỵ có liên quan đến mức cholesterol LDL cao. LDL cholesterol có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống và (hoặc) sử dụng thuốc.
8. Kiểm soát tăng huyết áp: Hơn một nửa số ca đột quỵ có liên quan đến tăng huyết áp. Kiểm soát huyết áp bằng cách thay đổi lối sống và (hoặc) thuốc phù hợp.
(Ảnh minh họa) Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tăng huyết áp
9. Kiểm soát bệnh tiểu đường: Cứ 5 người bị đột quỵ thì có 1 người bị tiểu đường. Bệnh tiểu đường có thể được kiểm soát bằng thuốc, chế độ ăn kiêng và tập thể dục.
10. Tránh trầm cảm và căng thẳng: Trầm cảm và căng thẳng là 2 tác nhân khiến nguy cơ đột quỵ tăng gấp hai lần bình thường.
Những điều cần làm để phòng tránh đột quỵ
- Chọn lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh
- Kiểm tra sức khỏe ngay từ hôm nay
- Tuân thủ điều trị của bác sĩ với các bệnh lý nguy cơ và bệnh lý mạn tính
Tuân thủ điều trị là tôn trọng và thực hiện một cách nghiêm túc toàn bộ các chỉ định của thầy thuốc. Tuân thủ điều trị không chỉ giới hạn ở việc sử dụng thuốc mà còn phải tuân thủ tất cả các chỉ định khác của thầy thuốc, bao gồm chế độ sinh hoạt, tập luyện, ăn uống…
Việc không tuân thủ điều trị các bệnh lý nguy cơ của đột quỵ không những làm gia tăng khả năng đột quỵ mà còn đẩy nhanh các biến chứng nặng nề như suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim …. Một trong các tình huống mà Bác sĩ Tim mạch hay gặp phải là bệnh nhân chỉ đến khám khi đã gặp biến chứng của các bệnh mạn tính. Điều này thật đáng tiếc bởi nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị thì đã có thể phòng tránh được những biến chứng này.
(Ảnh minh họa) Người bệnh cần tuân thủ điều trị và thăm khám định kỳ để phòng tránh biến chứng nặng
Hơn nữa, theo các nhà khoa học của Đại học Cambridge và Đại học Havard, việc tuân thủ điều trị phòng ngừa đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ làm giảm đáng kể khả năng bị đột quỵ. Ở những người bị rung nhĩ, do buồng tâm nhĩ hoạt động không hiệu quả nên máu không được bơm ra đúng cách và bị ứ đọng lại. Kết quả là hình thành cục máu đông, khi vỡ ra có thể rời khỏi tim và lưu thông khắp cơ thể. Nếu những cục máu đông này di chuyển đến não với kích thước lớn làm tắc nghẽn mạch máu não sẽ gây ra đột quỵ.
Đột quỵ do rung nhĩ có nguy cơ cao gây tử vong hoặc để lại các di chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đột quỵ liên quan đến rung nhĩ có thể ngăn ngừa được bằng cách điều trị phòng ngừa lâu dài và kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác.
Tài liệu tham khảo:
1. James Beckerman, MD, FACC, What Can Help Prevent a Stroke?