Nguyên Nhân Khiến Tỷ Lệ Đột Quỵ Ngày Càng Trẻ Hóa?
Trong những năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10-15%. Trường hợp đột quỵ não nhỏ tuổi nhất được ghi nhận là 14 tuổi.
(Ảnh minh họa) Đột quỵ ở ngườ trẻ ngày càng gia tăng
Số liệu thống kê về đột quỵ ở người trẻ tuổi
Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ đột quỵ ở thanh niên chiếm khoảng 10 - 15% tổng số các trường hợp đột quỵ [1,2]. Số liệu thống kê đã chứng minh cứ trên 100.000 người trưởng thành ở Hoa Kỳ, tỷ lệ đột quỵ ở người lớn trong khoảng 20 - 44 tuổi tăng từ 17 người năm 1993 lên 28 vào năm 2015 [3]. Còn ở châu Âu, thống kê trên 100.000 người lớn dưới 55 tuổi, tỷ lệ đột quỵ do thiếu máu cục bộ tăng từ 10,7 trong năm 1994–2002 lên 18,1 trong năm 2003–2011 [4].
Không có nhiều dữ liệu về đột quỵ tại khu vực châu Á. Tuy nhiên ở Ấn Độ, một nghiên cứu dựa trên dân số ước tính rằng trong giai đoạn 2003–2005, tỷ lệ đột quỵ trung bình hàng năm chỉ là 4 trên 100.000 ở bệnh nhân <40 tuổi, và cao nhất là 41 trên 100.000 đối với 40–44 tuổi [5].
Tại Việt Nam trong suốt 20 năm qua, tỷ lệ đột quỵ tăng đáng kể từ 213,58/100.000 người/năm 1990 lên đến 254,78/100.000 người/năm 2010. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm 200.000 ca mắc mới và 11.000 tử vong do đột quỵ. Trung bình cứ 6 người thì một người có nguy cơ đột quỵ. Đáng lo ngại hơn trong những năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10-15%.
(Ảnh minh họa) Thống kê số ca đột quỵ hàng năm tại Việt Nam
Tại Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai trong vòng một tháng (từ ngày 9/11/2020 đến 15/12/2020) đã tiếp nhận khoảng 1.000 ca đột quỵ. Trong đó hơn 100 ca là bệnh nhân trẻ có độ tuổi trung bình từ 18 đến 44 tuổi. Trường hợp bị đột quỵ nhỏ tuổi nhất được tiếp nhận tại đây là bệnh nhân mới 14 tuổi [6]
Tương tự, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng ghi nhận điều trị một trường hợp đột quỵ não nhỏ tuổi nhất là 12 tuổi và nhiều trường hợp khác trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Theo thống kê trong năm 2020, tại đây đã cấp cứu hơn 3.000 ca đột quỵ, trong đó bệnh nhân dưới 40 tuổi chiếm khoảng 17% [6].
(Ảnh minh họa) Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tăng cao, chiếm 10-15%
Nguyên nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa
- Ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ ở người trẻ tuổi. Những thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo như thức ăn nhanh, nội tạng động vật, thực phẩm ngọt nhiều đường… đều có nguy cơ khiến mỡ máu tăng cao. Đây là những tác nhân chính bám vào thành mạch máu gây nên tình trạng tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não.
Một thực trạng đáng buồn là những thực phẩm trên vô cùng phổ biến, được yêu thích bởi phần lớn giới trẻ hiện nay.
- Uống nhiều bia rượu: Chất cồn trong rượu bia là một trong những nguyên nhân tăng khả năng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ. 90% các cơn đột quỵ xảy ra đều do người bệnh sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn.
- Làm việc quá sức: Khi làm việc quá sức sẽ gây ra những áp lực lớn cho não. Trong môi trường sống hiện đại, giới trẻ có xu hướng theo đuổi công việc cộng với những áp lực, căng thẳng khiến cho huyết áp tăng cao, cơ tim co bóp mạnh. Khi dòng máu chảy về não tăng đột ngột gây nên nguy cơ hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu não hoặc xuất huyết não.
(Ảnh minh họa) Làm việc quá sức là một nguyên nhân đột quỵ phổ biến trong giới trẻ ngày nay
- Tình trạng thừa cân: Chế độ dinh dưỡng không hợp lý gây ra tình trạng thừa cân ở giới trẻ. Càng tiêu thụ lượng thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo thì nguy cơ tăng cân ngày càng cao. Đặc biệt với dân văn phòng, do tính chất công việc ít vận động khiến cân nặng tăng không kiểm soát dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch, máu nhiễm mỡ.
- Lười vận động: Một trong những nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ tuổi là do lười vận động. Bận rộn với công việc, cuộc sống khiến người trẻ dần bỏ quên thói quen vận động cơ thể. Về lâu dài, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và nguy hiểm hơn là dẫn đến đột quỵ.
Nguyên tắc phòng ngừa đột quỵ
Chúng ta có thể chủ động phòng ngừa đột quỵ thông qua những hành động thiết thực dưới đây. Hãy thay đổi lối sống lành mạnh để luôn luôn có sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái và một thân thể tráng kiện.
- Tập thể dục thường xuyên (ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần). Hoạt động nhiều giúp đánh tan mỡ thừa, giải độc cơ thể, giảm mỡ máu, ổn định cân nặng và đồng thời giảm nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi.
(Ảnh minh họa) Tập thể dục đều đặn giúp giảm nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi
- Giảm chất béo, giảm muối trong khẩu phần ăn đồng thời tăng cường rau và trái cây.
- Hạn chế rượu bia và các chất kích thích.
- Khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là duy trì điều trị những bệnh lý mãn tính như rung nhĩ, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
Hãy thường xuyên ghé thăm web và Facebook page Phòng chống đột quỵ để cập nhật những thông tin mới nhất giúp bạn và người thân ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ hoặc tái phát đột quỵ. Điều đơn giản nhất để bảo vệ cộng đồng rời xa căn bệnh nguy hiểm này là sự chia sẻ của bạn với những nội dung liên quan. Stroke Free chân thành cảm ơn sự quan tâm và ủng hộ của quý bạn đọc.
Ban Biên Tập
Tài liệu tham khảo:
1.N.A. Maaijwee, L.C. Rutten-Jacobs, P. Schaapsmeerders, E.J. Van Dijk, F.E. de Leeuw
Ischaemic stroke in young adults: risk factors and long-term consequences Nat Rev Neurol, 10 (6) (2014 Jun), p. 315
2. R. Ji, L.H. Schwamm, M.A. Pervez, A.B. Singhal Ischemic stroke and transient ischemic attack in young adults: Risk factors, diagnostic yield, neuroimaging, and thrombolysis JAMA neurology, 70 (1) (2013 Jan 1), pp. 51-57
3. T.E. Madsen, J.C. Khoury, M. Leppert, K. Alwell, C.J. Moomaw, H. Sucharew, D. Woo, S. Ferioli, S. Martini, O. Adeoye, P. Khatri Temporal trends in stroke incidence over time by sex and age in the GCNKSS Stroke, 51 (4) (2020 Apr), pp. 1070-1076
4. Y. Béjot, B. Daubail, A. Jacquin, J. Durier, G.V. Osseby, O. Rouaud, M. Giroud Trends in the incidence of ischaemic stroke in young adults between 1985 and 2011: The Dijon Stroke Registry J Neurol Neurosurg Psychiatr, 85 (5) (2014 May 1), pp. 509-513
5. S.K. Das, T.K. Banerjee, A. Biswas, T. Roy, D.K. Raut, C.S. Mukherjee, A. Chaudhuri, A. Hazra, J. Roy A prospective community-based study of stroke in Kolkata, India Stroke, 38 (3) (2007 Mar 1), pp. 906-910
6. Yến Thư, Đột quỵ ở người trẻ có dấu hiệu gia tăng