Đột Quỵ Do Không Kiểm Soát Cholesterol Xấu
Cholesterol gồm có Cholesterol tốt và Cholesterol xấu. Nếu Cholesterol xấu cao, Cholesterol tốt thấp sẽ dẫn đến các bệnh bệnh lý nguy hiểm về tim mạch như tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim1.
TS. BS. Trần Chí Cường
Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế SIS Cần Thơ
(Ảnh minh họa) Cholesterol xấu cao dẫn đến bệnh lý nguy hiểm như tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.
Rối loạn mỡ máu (còn gọi là rối loạn lipid máu) là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng. Đây không phải là bệnh lý cấp tính. Nhưng nếu diễn biến lâu dài với mức độ nặng thì rối loạn mỡ máu lại trở thành nguy cơ dẫn đến các bệnh nguy hiểm khác có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp…Rối loạn mỡ máu là một bệnh lý tiềm ẩn. Bệnh chỉ được phát hiện khi thông qua kết quả xét nghiệm mỡ trong máu.
Rối loạn mỡ máu là gì?
Rối loạn mỡ máu là tình trạng chất béo quá cao hay quá thấp trong máu (thường là quá cao). Mỡ máu có nhiều thành phần khác nhau, quan trọng trong đó là Cholesterol. Cholesterol gồm có Cholesterol tốt và Cholesterol xấu. Bình thường hai loại Cholesterol này sẽ cân bằng, nhưng trong trường hợp Cholesterol xấu cao, Cholesterol tốt thấp sẽ dẫn đến bệnh lý nguy hiểm về tim mạch như tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.
(Ảnh minh họa) Cần đảm bảo cân bằng 2 loại Cholesterol xấu và tốt để ngăn ngừa các bệnh tim mạch nguy hiểm,
Tìm hiểu 3 thành phần chính của Lipid máu.
- LDL cholesterol (còn gọi là Cholesterol xấu): LDL được coi là thành phần xấu của Cholesterol, khi LDL tăng cao trong máu sẽ dẫn đến sự lắng đọng Cholesterol ở thành mạch máu (đặc biệt ở não và tim) và gây xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa này dần dần sẽ làm hẹp và tắc mạch máu. Nếu mảng xơ vữa vỡ ra sẽ gây tắc mạch máu cấp tính dẫn đến tai biến mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim. Do đó, khi điều trị mỡ máu, LDL là chỉ số quan trọng cần được theo dõi.
- HDL cholesterol (còn là Cholesterol tốt): HDL có nhiệm vụ vận chuyển Cholesterol trong máu về gan và vận chuyển Cholesterol trong mảng xơ vữa ra khỏi thành mạch máu. Quá trình trên sẽ giúp tránh được tình trạng xơ vữa mạch máu. Khi HDL bảo vệ mạch máu không bị xơ vữa sẽ hạn chế được những biến chứng mạch máu nguy hiểm.
(Ảnh minh họa) Tình trạng xơ vữa động mạch làm hẹp và tắc mạch máu
- Triglyceride: Triglyceride cũng là 1 loại mỡ trong máu. Tình trạng tăng Triglyceride thường kèm theo tăng LDL (Cholesterol xấu) và giảm HDL (Cholesterol tốt). Do đó tăng Triglyceride cũng làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu và dẫn đến các biến cố tim mạch. Tăng triglyceride thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, uống nhiều rượu bia, béo phì/ thừa cân, lười vận động hoặc hút thuốc lá.
Cách phòng ngừa đột quỵ do Cholesterol xấu2.
Cholesterol có từ hai nguồn: do cơ thể tự tổng hợp (từ gan và các cơ quan khác) và từ thức ăn. Do đó để ngăn ngừa tình trạng tăng Cholesterol xấu cần thay đổi lối sống và dùng thuốc, như:
- Tập thể dục đều đặn.
- Không hút thuốc lá hay uống nhiều rượu, bia.
- Giảm cân nếu béo phì/ thừa cân.
- Uống thuốc theo toa của bác sĩ nếu có rối loạn mỡ máu ở mức độ cần đều trị.
- Chế độ ăn uống lành mạnh.
Với thực đơn hàng ngày, cần cân nhắc bổ sung một số thực phẩm như:
- Nhiều rau, trái cây.
- Uống sữa không béo (tách kem).
- Thịt nạc, thịt gia cầm không da, các loại cá
- Các loại ngũ cốc chế biến: bánh mì đen, gạo?
- Các loại hạt (hạn chế)
- Các loại dầu thực vật: dầu hướng dương, dầu đậu nành, dầu oliu…không ăn bơ thực vật chế biến từ chúng.
(Ảnh minh họa) Hạn chế các thực phẩm có hại ngăn ngừa tình trạng tăng Cholesterol xấu.
Đặc biệt hạn chế và loại bỏ các thực phẩm có hại cho cơ thể:
- Sữa béo (nguyên kem)
- Mỡ động vật, thịt động vật chưa lọc mỡ
- Lòng đỏ trứng, bơ và các chế phẩm chế biến từ chúng
- Phủ tạng động vật: gan, tim, ruột, thận…
- Các sản phẩm chế biến sẵn như: xúc xích, lạp xưởng…
- Đồ ăn chiên xào, thức ăn nhanh: gà rán, pizza, hamburger, mì gói…
- Dầu thực vật nhiều chất béo bão hòa: dầu dừa, dầu cọ, dầu hạnh nhân…
Tài liệu tham khảo:
- Annelies W E Weverling-Rijnsburger 1, Iris J A M Jonkers, Eric van Exel, Jacobijn Gussekloo, Rudi G J Westendorp, High-density vs low-density lipoprote in cholesterol as the risk factor for coronary artery disease and stroke in old age, 2003 Jul 14;163(13):1549-54. doi: 10.1001/archinte.163.13.1549.
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/12860577/
- Mayor Clinic, Top 5 lifestyle changes to improve your cholesterol