A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cẩm Nang Chăm Sóc Bệnh Nhân Đột Quỵ Sau Khi Ra Viện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Với tỷ lệ tử vong cao, tỷ lệ tái phát lớn và mức độ tàn phế nặng nề, phục hồi các chức năng sau đột quỵ sẽ giúp người bệnh quay lại cuộc sống thường ngày một cách tốt nhất cũng như dự phòng tránh đột quỵ tái phát.

ThS. BS. Vũ Hồng Vân

Khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

(Ảnh minh họa) Chỉ 10% bình phục hoàn toàn sau đột quỵ

Cảnh báo tỷ lệ đột quỵ tái phát lên đến 53%

Đột quỵ hay còn gọi tai biến mạch máu não là bệnh lý mạch máu não nguy hiểm và phổ biến nhất hiện nay. Nguyên nhân do máu lên não đột ngột bị gián đoạn với hai dạng chính là nhồi máu não hay tắc mạch não (chiếm 80-85%) [1] và chảy máu não hay vỡ mạch máu não (chiếm 15-20%) [1].

Theo thống kê từ hội đột quỵ Mỹ, cứ 45 giây trên thế giới có 1 người đột quỵ và mỗi 3 phút có 1 người tử vong do đột quỵ. Ở Việt Nam có khoảng 200.000 người đột quỵ mỗi năm, ghi nhận tỷ lệ tử vong khoảng 50% và chỉ có 10% những người sống sót có thể bình phục hoàn toàn [2]. Tỷ lệ tái phát sau đột quỵ lần đầu là 3% đến 23% trong năm đầu và 10% đến 53% trong 5 năm tiếp theo.

(Ảnh minh họa) Tai biến mạch máu não là bệnh lý mạch máu não nguy hiểm và phổ biến nhất

Với tỷ lệ tử vong cao, tỷ lệ tái phát lớn và mức độ tàn phế nặng nề, vấn đề phục hồi chức năng sau đột quỵ để người bệnh quay lại cuộc sống thường ngày một cách tốt nhất cũng như tuân thủ các biện pháp điều trị dự phòng tránh đột quỵ tái phát là quá trình vô cùng quan trọng, cần thiết sau khi bệnh nhân xuất viện.

Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ

Để khắc phục những di chứng sau đột quỵ đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì của bản thân người bệnh và sự hỗ trợ tích cực của người nhà. Sau quá trình vật lý trị liệu tại bệnh viện, người bệnh cũng cần tuân thủ đúng và đầy đủ các chế độ chăm sóc, điều trị và tập luyện đặc biệt tại nhà.

1. Chế độ sinh hoạt và luyện tập

- Với bệnh nhân nằm tại giường: cần thay đổi tư thế người bệnh mỗi 2 giờ để hạn chế tình trạng lở loét.

- Tuỳ mức độ di chứng liệt, người nhà nên phối hợp nhân viên y tế lên kế hoạch tập vận động 2-3 lần một ngày. Trong quá trình đó, cần cố gắng để người bệnh tự thực hiện các động tác hoạt động sinh hoạt cơ bản hàng ngày để tăng khả năng hồi phục. Lưu ý duy trì tập luyện cả khi các di chứng đã hồi phục.

(Ảnh minh họa) Người bệnh nên tự thực hiện một số sinh hoạt cơ bản hàng ngày và tập luyện nhẹ nhàng

 2. Chăm sóc dinh dưỡng

- Người nhà cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, đảm bảo phù hợp với các bệnh đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp hay rối loạn mỡ máu.

- Tuyệt đối bỏ thuốc lá, rượu bia và tránh béo phì.

 3. Chăm sóc vệ sinh

- Tắm rửa, vệ sinh cá nhân hàng ngày ở nơi kín gió, nhiệt độ đủ ấm. Phòng tắm không trơn trượt, thời gian tắm trong khoảng 5-7 phút và không tắm buổi tối.

- Giữ cho da luôn khô thoáng phòng tránh lở loét nhiễm trùng.

- Vệ sinh sạch sẽ ngay sau mỗi lần đại tiểu tiện để tránh nhiễm trùng tiết niệu. Hướng dẫn người bệnh cần ra hiệu khi có nhu cầu đại tiểu tiện.

 4. Giường nằm

- Cần sử dụng đệm hơi hoặc đệm nước với bệnh nhân bị liệt.

- Giường phải có thành chắn tránh té ngã, có các gối để thay đổi tư thế nằm ngồi tránh loét.

- Vị trí giường nên đặt nơi thoáng, có ánh nắng mặt trời, không ẩm thấp và phải tránh gió lùa.

5. Chăm sóc tâm lý

Trạng thái tâm lý cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị sau phục hồi của người bệnh đột quỵ. Vì tâm lý mặc cảm, ti ti cảm thấy mình là gánh nặng của gia đình, họ thường rơi vào trạng thái lo âu, mệt mỏi, thậm chí trầm cảm. Do vậy người thân trong gia đình cần động viên, hỗ trợ để người bệnh lạc quan, vui vẻ góp phần giúp họ nhanh hồi phục.

(Ảnh minh họa) Người thân nên động viên để người bệnh lạc quan nhanh hồi phục.

 6. Sử dụng thuốc và tái khám

- Người nhà cần theo dõi việc uống thuốc hàng ngày đúng theo đơn của bác sĩ.

- Tái khám theo hẹn hoặc ngay khi có các dấu hiệu bất thường như:

+ Tác dụng phụ của thuốc như đau thượng vị, phù chân, họ khan, đau bắp chân...

+ Các dấu hiệu của đột quỵ tái phát: ý thức chậm hơn, liệt tăng lên, nói khó hơn, đi lại khó khăn hơn (loạng choạng, mất thăng bằng), miệng méo... Cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế có trung tâm đột quỵ gần nhất khi phát hiện các dấu hiệu trên.


Tác giả: ThS. BS. Vũ Hồng Vân

Bài viết liên quan

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: CÁC NGUY CƠ THẦM LẶNG DẪN ĐẾN ĐỘT QUỴ NÃO
Tháng 04/2024
PGS. TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Tim TP.HCM, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM