A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống: Chìa khoá vàng trong dự phòng đột quỵ

Tổng số điểm của bài viết là: 26 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Nhiều người vẫn cho rằng đột quỵ là căn bệnh “trời gọi ai, người đấy dạ”, nhưng trên thực tế, các chuyên gia y tế đã khẳng định căn bệnh nguy hiểm này có thể được ngăn ngừa, dự phòng với giải pháp chính là tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống.

ThS. BS. Vương Anh Tuấn

Khoa Nội Tim mạch – Bệnh viện Chợ Rẫy

Ảnh minh họa: Dự phòng đột quỵ là điều có thể thực hiện

Đột quỵ xảy ra như thế nào?

Các động mạch có nhiệm vụ cung cấp máu từ tim lên não. Đột quỵ xảy ra khi mạch máu lên não bị tắc bởi cục máu đông hoặc bị vỡ. Đột quỵ gồm 2 dạng chính: đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não. Hậu quả là một phần não bị thiếu oxy và bắt đầu chết. Khi các tế bào não bắt đầu chết, nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ như vận động, cảm giác….

Đột quỵ là một tình trạng cấp cứu, đòi hỏi được xử lý càng sớm càng tốt. Theo thống kê tại Hoa Kỳ [1], mỗi năm có 795.000 người mắc đột quỵ, trong số đó, 185.000 người đột quỵ tái phát. Cũng theo tính toán, cứ mỗi 40 giây sẽ có 1 người bị đột quỵ, và mỗi 4 phút sẽ có 1 người tử vong do đột quỵ. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, 2015) đột quỵ là nguyên nhân chính gây tử vong tại Việt Nam (21,7%). Theo thông tin từ Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người đột quỵ, có tỷ lệ tử vong chiếm 10-20%, cao hơn nhiều lần so với một số nguyên nhân tử vong phổ biến khác. Đây là gánh nặng rất lớn về mặt kinh tế và xã hội.

Hậu quả của đột quỵ

Đột quỵ có thể gây hậu quả tạm thời hoặc vĩnh viễn, thường để lại những di chứng hết sức nặng nề, thậm chí là tử vong. Thời gian hồi phục sau đột quỵ rất khác nhau tùy theo mỗi người, có thể mất vài tuần, vài tháng, thậm chí vài năm. Hậu quả do đột quỵ gây ra có thể làm bệnh nhân bị liệt 1 bên hoặc cả 2 bên; khó khăn trong việc học hỏi, ghi nhớ, suy nghĩ phán xét vấn đề; không biểu đạt hay kiểm soát được cảm xúc; rối loạn cảm giác cơ thể; khó nhai nuốt; rối loạn hoạt động của bàng quang gây tiểu không tự chủ; trầm cảm.

Trong các trường hợp bệnh nhân sống sót sau đột quỵ thì khả năng tàn phế, lệ thuộc vào xã hội, gia đình rất cao. Sự phục hồi khác nhau rất nhiều ở mỗi người và không phải lúc nào cũng có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Theo thống kê, trong số bệnh nhân bị đột quỵ, có 10-13% bệnh nhân tàn phế, nằm liệt giường; 12% hồi phục một phần; 25% bệnh nhân có thể độc lập đi lại. Bệnh nhân dù hồi phục 1 phần hay hoàn toàn, thường khó hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường, điều này ảnh hưởng đến kinh tế, chi phí thuốc điều trị, hồi phục chức năng…

Với người nhà bệnh nhân, đột quỵ tạo gánh nặng kinh tế trực tiếp, thông qua việc mất sức lao động của bệnh nhân; ảnh hưởng kinh tế gián tiếp thông qua việc chăm sóc, điều trị cũng như những áp lực về mặt tinh thần. Đột quỵ gây ảnh hưởng nhiều đến chi phí điều trị. Tại Hoa Kỳ [1], trong những năm 2014-2015, chi phí chi trả y tế cho điều trị liên quan đến đột quỵ chiếm gần 46 tỷ đô la Mỹ.

Tuân thủ điều trị - chìa khoá vàng trong dự phòng đột quỵ

Việc điều trị các bệnh lý mạn tính luôn đi kèm với việc bệnh nhân phải dùng nhiều loại thuốc, trong một thời gian dài. Mặc dù thuốc đủ hiệu quả để ngăn ngừa tiến triển của bệnh, tuy nhiên, gần 50% bệnh nhân không sử dụng đúng các loại thuốc được kê toa, điều đó đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ hơn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO 2001, sự tuân thủ được định nghĩa là “mức độ mà hành vi của một người - dùng thuốc, thực hiện chế độ ăn kiêng và / hoặc thay đổi lối sống theo lời khuyên của nhân viên y tế”.

Ảnh minh họa: Tuân thủ điều trị do bác sĩ chỉ định để dự phòng đột quỵ

Bệnh nhân hay quên, lo lắng về hiệu quả của điều trị, sợ phải phụ thuộc thuốc suốt đời, hiểu sai về hướng dẫn điều trị là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự tuân thủ kém ở bệnh nhân.

Chính vì vậy, để tăng hiệu quả điều trị, tăng sự tuân thủ, nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng gây ra của bệnh, các bệnh nhân khi sử dụng thuốc cần tin tưởng vào sự điều trị của bác sỹ, không nên bỏ thuốc hoặc tự điều chỉnh liều lượng và số lượng thuốc, cần tuân thủ theo toa của bác sỹ, số lần dùng, thời gian dùng (trước/sau ăn, sáng/trưa/chiều/tối). Quý bệnh nhân khi sử dụng thêm bất kỳ thuốc nào ngoài toa thuốc, cần hỏi ý kiến của bác sỹ điều trị để tránh xảy ra các tương tác thuốc nguy hiểm. Hậu quả và gánh nặng đột quỵ gây ra vô cùng to lớn, đòi hỏi người bệnh cần phải tuân thủ chế độ điều trị. Nhưng làm thế nào để dự phòng đột quỵ xảy ra, cũng như ngăn ngừa đột quỵ tái phát?

Thay đổi lối sống – Giảm thiểu tối đa nguy cơ bị đột quỵ

Bên cạnh các bệnh lý hiện mắc như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh van tim, rung nhĩ, suy tim… thì lối sống không lành mạnh như ăn nhiều chất béo, ăn mặn, ít vận động, béo phì, hút thuốc lá, uống rượu/bia nhiều cũng là các nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ. Thay đổi lối sống trở nên lành mạnh là việc rất thiết thực và khả thi giúp bệnh nhân có thể dự phòng đột quỵngăn ngừa cơn đột quỵ tái phát.

  • Bữa ăn lành mạnh: gồm nhiều rau củ, trái cây tươi. Sử dụng ít chất béo bão hòa (mỡ động vật, nội tạng..). Cần hạn chế lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày, không quá 5g muối/ngày, có thể đơn giản việc này qua cách nêm nếm thức ăn không quá 1 muỗng cà phê gạt ngang, không chấm nước tương, nước mắm, hạn chế thực phẩm ướp quá nhiều muối, các loại khô/mắm… Nhiều chuyên gia khuyên bệnh nhân nên theo một chế độ ăn uống "Địa Trung Hải" – nhiều trái cây, rau, cá và các sản phẩm từ sữa ít béo và ít thịt đỏ, đồ ngọt và ngũ cốc tinh chế (chẳng hạn như bánh mì trắng và gạo trắng).
  • Ngưng hút thuốc lá
  • Giảm/ ngưng các thức uống có cồn (rượu, bia).
  • Hoạt động thể lực: giúp giữ cân nặng, điều hòa huyết áp và lượng cholesterol trong máu. Hội tim châu Âu 2016 [2] đã khuyến cáo hoạt động thể lực cường độ trung bình khoảng 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần. Các hoạt động cường độ trung bình như đi bộ nhanh (4,8 - 6,5 km/giờ), đạp xe chậm (15 km/giờ), vẽ tranh hoặc trang trí, hút bụi, làm vườn (cắt cỏ), chơi gôn (kéo gậy trong xe đẩy), tennis (đôi), khiêu vũ, thể dục nhịp điệu dưới nước.

1. Virani SS, Alonso A, Benjamin EJ, Bittencourt MS, Callaway CW, Carson AP, et al. Heart disease and stroke statistics—2020 update: a report from the American Heart Associationexternal iconCirculation. 2020;141(9):e139–e596.

2. ESC 2016 - CVD Prevention in Clinical Practice (European Guidelines on) Guidelines

 

 


Tác giả: ThS. BS. Vương Anh Tuấn
Khoa Nội Tim mạch - Bệnh viện Chợ Rẫy
Khoa Nội Tim mạch - Bệnh viện Chợ Rẫy

Bài viết liên quan

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: CÁC NGUY CƠ THẦM LẶNG DẪN ĐẾN ĐỘT QUỴ NÃO
Tháng 09/2024
PGS. TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Tim TP.HCM, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM