A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng Dẫn Chăm Sóc Bệnh Nhân Khó Nuốt Sau Đột Qụy

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Chứng khó nuốt là vấn đề thường gặp trên khoảng 50% bệnh nhân sống sót sau đột quỵ. Phần lớn những bệnh nhân này sẽ hồi phục khả năng nuốt trong vòng 7 ngày, chỉ có 11 - 13% bệnh nhân bị rối loạn nuốt kéo dài sau 6 tháng.

BS. CKII. Trần Thị Thanh Hà

Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Tim Hà Nội

(Ảnh minh họa) 50% bệnh nhân sau đột quỵ gặp chứng khó nuốt

Một nghiên cứu ghi nhận 80% bệnh nhân bị rối loạn chức năng nuốt kéo dài sẽ phải can thiệp ăn qua ống thông dạ dày. Rối loạn nuốt sẽ gây biến chứng nặng như viêm phổi do sặc (tăng 17% so với nhóm không bị khó nuốt) làm tăng nguy cơ tử vong (khoảng 30%). Các biến chứng thường gặp khác như suy dinh dưỡng, rối loạn nước điện giải do việc ăn uống khó khăn dù đã điều chỉnh lại khẩu phần cũng như cách chế biến thức ăn. Chỉ có 45% bệnh nhân bị chứng khó nuốt còn có cảm giác muốn ăn. Còn 41% bệnh nhân thường xuyên lo lắng hoặc thậm chí sợ hãi khi nghĩ đến ăn hoặc không thoải mái khi ăn. Những điều này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống.

(Ảnh minh họa) Bệnh nhân khó nuốt thường cảm thấy lo lắng và không thoải mái khi ăn.

Vì vậy việc chẩn đoán sớm và phục hồi chức năng nuốt sau đột quỵ não sẽ góp phần giảm các biến chứng nặng cũng như cải thiện cuộc sống của người bệnh.

Nguyên nhân hình thành bệnh khó nuốt sau đột quỵ.

Nuốt là quá trình vận chuyển thức ăn từ miệng xuống dạ dày với sự phối hợp hoạt động của rất nhiều bộ phận như khoang miệng, hầu, thanh quản, thực quản, 5 đôi dây thần kinh sọ, các đôi dây thần kinh cổ 1,2,3 và não bộ.

Rối loạn nuốt sau đột quỵ thường là rối loạn chức năng và hoạt động phối hợp cơ vùng miệng, hầu thứ phát do mất kiểm soát của thần kinh trung ương từ những tổn thương vỏ não hoặc thân não.

Quá trình nuốt gồm 4 giai đoạn:

- Giai đoạn chuẩn bị: thức ăn nằm trong khoang miệng được nghiền, nhai để tạo thành viên thức ăn, lưỡi vận động nhào trộn thức ăn và quản lý vị trí của thức ăn, ngăn cản thức ăn rơi xuống hầu.

- Giai đoạn vận chuyển: đến giai đoạn này, lưỡi di chuyển viên thức ăn xuống hầu, kích hoạt phản xạ nuốt.

- Giai đoạn hầu: hoạt động phối hợp phức tạp của lưỡi và hầu giúp đẩy viên thức ăn từ hầu xuống thực quản. Dây thanh âm cần đóng trong giai đoạn này, thanh quản di chuyển lên trên và ra trước, nắp thanh môn đóng lại ngăn cản thức ăn rơi vào khí quản.

- Giai đoạn thực quản: sự co bóp nhịp nhàng của cơ thực quản giúp thức ăn di chuyển từ trên xuống dưới thực quản rồi vào dạ dày.

Chẩn đoán bệnh khó nuốt sau đột quỵ.

Triệu chứng lâm sàng của rối loạn chức năng nuốt bao gồm: nghẹn thức ăn, ho trong bữa ăn, chảy nước dãi hoặc rơi vãi thức ăn, tồn đọng thức ăn trong miệng, nuốt chậm và khó khăn, từ chối đồ ăn thức uống, có cảm giác thức ăn đọng trong họng, trào ngược, ợ nóng...

(Ảnh minh họa) Nghẹn, ho trong bữa ăn, ợ nóng là triệu chứng của bệnh khó nuốt.

Khám lượng giá chức năng là quá trình đánh giá, tiên lượng và lập kế hoạch phục hồi chức năng toàn diện cho người bệnh khó nuốt bao gồm:

- Thông tin bệnh sử của người bệnh liên quan đến chức năng nuốt.

- Đánh giá chi tiết khoang miệng, hầu, thanh quản: cấu trúc, vận động, cảm giác.

- Hành vi, nhận thức, khả năng ngôn ngữ.

- Khả năng nuốt của người bệnh.

- Sử dụng các thiết bị đánh giá: VFSS, FEES

Thăm dò chức năng nuốt qua quay video có cản quang (VFSS) là một phương pháp lượng giá động các giai đoạn miệng, hầu và thực quản trên trong quá trình nuốt. Phương pháp này giúp nhà lâm sàng có được kết quả đánh giá toàn diện bằng thiết bị, xác định người bệnh có hít sặc hay không và nguyên nhân hít sặc.

Thăm dò nuốt bằng nội soi mềm (FEES) là phương pháp lượng giá nuốt sử dụng ống nội soi mềm qua mũi. Ống này được đưa vào từ mũi, qua vòm mềm và vào đến hầu.     

Thời điểm hiện tại, lượng giá rối loạn nuốt bằng thiết bị chưa được thực hành phổ biến tại Việt Nam.

Chăm sóc bệnh nhân khó nuốt sau đột quỵ

Quá trình này có thể gặp nhiều khó khăn do yêu cầu người chăm sóc phải hiểu các vấn đề rối loạn nhận thức cũng như rối loạn nuốt xảy ra sau đột quỵ. Từ đó sẽ biết chăm sóc người bệnh đúng cách hơn, giảm nguy cơ, biến chứng do khó nuốt gây ra.

(Ảnh minh họa) Người chăm sóc cần có đủ kiến thức chuyên môn để hỗ trợ người bệnh khó nuốt đúng cách, giảm biến chứng

Bệnh nhân sau đột quỵ có thể bị ảnh hưởng đến khả năng chú ý, khả năng tập trung, nặng hơn là rối loạn trí nhớ, nhận thức. Do đó bệnh nhân không tập trung vào việc ăn, mất nhiều thời gian trong khi ăn, đồng thời lượng thức ăn đưa vào giảm dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng.

Ở giai đoạn chuẩn bị của quá trình nuốt, bệnh nhân bị giảm khả năng nhai (khả năng di chuyển của lưỡi và vận động hàm yếu đi), giảm khả năng nghiền thức ăn (biến thức ăn thành dạng dễ nuốt), giảm phản xạ nuốt... nên bệnh nhân dễ bị sặc có nguy cơ viêm phổi - biến chứng nặng đe dọa đến tính mạng.

Người nhà chăm sóc bệnh nhân cũng cần hiểu được cách theo dõi khi bệnh nhân khó nuốt ăn uống: ngồi ăn đúng tư thế, hướng dẫn bệnh nhân nhai kỹ, giao tiếp nhiều hơn giúp tăng ý thức về việc ăn như kiểm tra xem có nhớ thực đơn ngày hôm qua, cảm nhận về hương vị và các điểm chú ý khi ăn. Người nhà nên xin tư vấn của bác sỹ chuyên khoa dinh dưỡng về việc lựa chọn loại thức ăn và kết cấu thức ăn phù hợp với người nhà mình (theo phân loại rối loạn nuốt được chẩn đoán).

(Ảnh minh họa) Tương tác với bệnh nhân giúp tăng ý thức về việc ăn

Tham khảo chế độ ăn cho người khó nuốt

- Chế biến thành dạng dễ nuốt, phòng tránh bị sặc.

- Thức ăn thích hợp cho việc luyện tập nuốt.

- Phân loại kết cấu thức ăn:

Theo Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ:

Mức độ 1 của rối loạn nuốt - Nhão: Thức ăn xay nhuyễn, đồng nhất, có độ kết dính cao, dạng pudding, yêu cầu nhai ít.

Mức độ 1a: Dạng thạch

Mức độ 2 của rối loạn nuốt - Mềm: Thay đổi về mặt cơ học. Thức ăn kết dính, ẩm, cứng vừa phải, cần nhai một chút

Mức độ 3 của rối loạn nuốt - Băm nhuyễn: Tiến bộ. Thức ăn mềm đòi hỏi nhai nhiều hơn

Mức độ 4: Bình thường. Không hạn chế, cho phép mọi loại thức ăn

- Độ đặc của chất lỏng:

Chất lỏng là dạng khó nuốt nhất đối với người bệnh có rối loạn nuốt. Để người bệnh có thể đảm bảo uống đủ nước và uống an toàn thì chất lỏng sẽ được làm đặc lại với chất làm đặc theo tỉ lệ để đạt được mức an toàn cho người bệnh. Chất lỏng được chia làm 4 mức độ:

Mức độ -  Tính chất.

Mức độ 1: Rất đặc (pudding) - Không chảy hoặc chảy rất chậm khi nghiêng thìa.

Mức độ 2: Đặc vừa (honey) - Nghiêng thìa chảy chậm như mật ong.

Mức độ 3: Đặc nhẹ (nectar) - Hơi đặc hơn nước 1 chút Nghiêng thìa có thể chảy thành dòng.

Mức độ 4: Bình thường - Nước, chất lỏng.

Ngăn ngừa viêm phổi sặc bằng cách thay đổi kết cấu đồ ăn và chất lỏng để phù hợp với tình trạng rối loạn nuốt của người bệnh:

- Làm quánh đồ có nước (Đồ uống, canh, món ninh)

- Cho thêm nước sốt dính để thức ăn quyện lại với nhau.

- Ninh đến khi mềm ra.

- Tránh thức ăn nhiều xơ.

- Cắt nhỏ thức ăn.

- Dùng máy xay xay nhuyễn.

- Nấu thức ăn thành dạng thạch hoặc dạng lỏng.

Tình trạng nuốt của người bệnh sẽ thay đổi theo dạng thức ăn: thức ăn rắn hay lỏng. Nếu là thức ăn rắn tùy thuộc vào độ mềm, độ kết dính (độ khó phân rã), độ bám dính. Dạng thức ăn thích hợp sẽ giúp người bệnh dễ nuốt hơn, qua đó cải thiện tình trạng dinh dưỡng, chất lượng cuộc sống cũng như cải thiện chức năng nuốt.


Tác giả: ThS. BS. Trần Thị Thanh Hà
Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Tim Hà Nội
Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Tim Hà Nội

Bài viết liên quan

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: CÁC NGUY CƠ THẦM LẶNG DẪN ĐẾN ĐỘT QUỴ NÃO
Tháng 04/2024
PGS. TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Tim TP.HCM, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM