A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điều Trị Phục Hồi Cho Bệnh Nhân Méo Miệng Và Khó Nói

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Người bệnh sau đột quỵ bị rối loạn ngôn ngữ do bán cầu não chiếm ưu thế (90% là bán cầu não trái ở những người thuận tay phải) bị tổn thương. Còn tình trạng méo miệng là do liệt thần kinh số VII có chức năng chi phối vận động biểu cảm của các cơ vùng mặt.

BS. CKII. Phạm Thị Ngọc Quyên

Đơn vị Đột Quỵ - Bệnh viện Đại Học Y Dược Tp Hồ Chí Minh

(Ảnh minh họa) Tình trạng méo miệng sau đột quỵ do liệt thần kinh số VII.

Nguyên nhân người bệnh đột quỵ bị méo miệng và khó nói chuyện/rối loạn phát âm

Đột quỵ là hệ quả của việc đột ngột gián đoạn nguồn cấp máu đến một phần nhất định của não, khiến các tế bào não tại khu vực đó bị tổn thương và chết vì thiếu oxy, dưỡng chất.

Người bệnh đột quỵ bị méo miệng là do liệt thần kinh số VII - một trong 12 đôi dây thần kinh sọ não có chức năng chi phối vận động biểu cảm của các cơ vùng mặt. Trong trường hợp đột quỵ thiếu máu não, nhu mô não và dây thần kinh sẽ bị tổn thương khi bị thiếu oxy. Với trường hợp đột quỵ xuất huyết não, nguyên nhân thường do khối xuất huyết chèn ép nhu mô não và dây thần kinh sọ tại vị trí lân cận. Trong cả hai trường hợp trên, các tế bào não bị tổn thương có thể chết trong vòng vài phút nếu tình trạng tưới máu não không hồi phục.

Bên cạnh đó, người bệnh đột quỵ có vấn đề về ngôn ngữ giao tiếp có thể do một trong hai khả năng:

- Rối loạn ngôn ngữ (ngôn ngữ diễn đạt, ngôn ngữ hiểu, hoặc cả hai)

- Rối loạn phát âm do tổn thương các dây thần kinh chi phối vận động vùng hầu - họng - miệng, hoặc kết hợp cả hai dạng trên.

 

(Ảnh minh họa) Người bệnh sau đột quy gặp nhiều vấn đề về ngôn ngữ, giao tiếp.

Người bệnh đột quỵ bị mất ngôn ngữ/ rối loạn ngôn ngữ do bán cầu não chiếm ưu thế bị tổn thương khi bị đột quỵ (90% là bán cầu trái đối với người thuận tay phải). Trong khi vấn đề rối loạn phát âm (giọng nói bị thay đổi) thường do yếu các cơ vùng hầu- họng- miệng, hệ quả của việc tổn thương các dây thần kinh VII, IX, X gặp trong bệnh đột quỵ

Thời gian cần và đủ để người bệnh phục hồi hoàn toàn

Việc phục hồi khả năng ngôn ngữ và phát âm của bệnh nhân đột quỵ tuỳ thuộc vào thể trạng của từng người nên tốc độ sẽ rất khác nhau. Nhưng một số yếu tố có thể ảnh hưởng rõ rệt đến tốc độ phục hồi như: độ nặng của tình trạng đột quỵ, độ tuổi (nhóm bệnh nhân trẻ tuổi có ưu thế hơn), cường độ tập luyện cùng các chuyên gia trị liệu âm ngữ.

Đa phần các bệnh nhân đột quỵ sẽ phục hồi khả năng ngôn ngữ thấy được rõ rệt trong 3-6 tháng đầu sau đột quỵ. Sau 6 tháng, người bệnh đột quỵ có thể khắc phục 60% vấn đề về ngôn ngữ nếu không tái phát đột quỵ. Tiếp tục kiên trì tập luyện thì tỷ lệ phục hồi sẽ ngày càng cao hơn.

(Ảnh minh họa) Càng kiên trì luyện tập thì tỷ lệ phục hồi sẽ càng cao hơn.

Hướng dẫn tập luyện cho người bệnh đột quỵ bị méo miệng và nói khó/ rối loạn phát âm.

- Bài tập đơn giản tại nhà dành cho người bệnh méo miệng do đột quỵ. Thực hiện 4 đợt tập mỗi ngày, mỗi bài tập lặp lại 30 lần.

Bài 1: Tập mở miệng cười khoe răng, sau đó khép miệng lại. Cứ thế lặp lại, thực hiện trước gương để dễ quan sát.

Bài 2: Chu môi tối đa, sau đó thả lỏng. Tương tự bài 1 nên thực thiện trước gương.

Bài 3: Cười nhếch mép lần lượt mỗi bên, có thể dùng ngón tay giúp nâng khoé miệng bên bị liệt lên trong khi thực hiện động tác. Sau đó lặp lại 30 lần.

Bài 4. Há miệng và đưa lưỡi hướng xuống dưới cằm, sau đó thu lưỡi vào trong và khép miệng lại. Lặp lại 30 lần.

- Bài tập tại nhà dành cho người bệnh rối loạn phát âm sau đột quỵ. Nên thực hiện khi đứng trước gương để thuận tiện quan sát.

Bài 1: Bài tập đẩy lưỡi: há miệng đẩy lưỡi ra ngoài và giữ yên trong 2 giây, thu lưỡi lại trong 2 giây và lặp lại.

Bài 2: Đưa lưỡi sang bên: há miệng, và đưa lưỡi sang phải chạm vào khoé miệng phải, giữ trong hai giây rồi đưa sang trái làm tương tự.

Bài 3: Đưa lưỡi lên- xuống: há miệng, đưa lưỡi ra ngoài và cố gắng hướng đầu lưỡi về phía mũi, giữ trong hai giây, sau đó đưa lưỡi hướng xuống dưới cằm và giữ trong hai giây. Lặp lại tương tự.

Bài 4: Tập phát âm bảng chữ cái, bắt đầu với các nguyên âm sau đó tăng dần độ khó.

Bài 5: Tập đọc to các câu đơn giản và tăng dần số lượng câu theo thời gian.

(Ảnh minh họa) Người bệnh sau đột quỵ nên tự tập luyện phục hồi trước gương hàng ngày.

Tùy tình trạng mất ngôn ngữ sẽ có bài tập tương ứng được các chuyên gia âm ngữ trị liệu thiết kế riêng cho từng người bệnh.

Việc tập luyện phục hồi ngôn ngữ cần rất nhiều thời gian và nỗ lực. Người nhà nên động viên người bệnh kiên trì theo đuổi trị liệu là một trong những yếu tố then chốt của quá trình hồi phục.

Tài liệu tham khảo:

1. Havard Health Publishing, Right brain/left brain, right?

https://www.health.harvard.edu/blog/right-brainleft-brain-right-2017082512222

2. Stefan T. Engelter, Michal Gostynski, Susanna Papa, Maya Frei, Claudia Born, Vladeta Ajdacic-Gross, Felix Gutzwiller, and Phillipe A. Lyrer, Epidemiology of Aphasia Attributable to First Ischemic Stroke, May 2006

https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/01.STR.0000221815.64093.8c


Tác giả: BS. CKII. Phạm Thị Ngọc Quyên

Bài viết liên quan

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: CÁC NGUY CƠ THẦM LẶNG DẪN ĐẾN ĐỘT QUỴ NÃO
Tháng 10/2024
PGS. TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Tim TP.HCM, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM