A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm Thế Nào Để Sống Chung An Toàn Với Rung Nhĩ

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Người bị rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ tăng gấp 5 lần người không bị rung nhĩ [1]. Tuy nhiên với các phương pháp điều trị bằng thuốc, chế độ chăm sóc sức khỏe phù hợp, người bệnh hoàn toàn có thể sống chung an toàn với rung nhĩ.

ThS. BS. Nguyễn Đức Khánh

Khoa phòng khám Tim mạch – Bệnh viện Đại học Y Dược

(Ảnh minh họa) Bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 5 lần người không bị rung nhĩ

Rung nhĩ có thể gây nguy hiểm do những biến chứng của bệnh, những biến chứng này có thể xảy ra nếu không phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, nếu được quan tâm và chủ động điều trị ở các giai đoạn sớm của bệnh sẽ giúp người bệnh rung nhĩ có thể sống chung an toàn với căn bệnh này, giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

Bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần

Rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim phổ biến có biểu hiện là tình trạng nhịp tim không đều. Đây là một trong các yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ. Rung nhĩ chịu trách nhiệm cho 15-20% của tất cả các trường hợp đột quỵ [2] và người bị rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ tăng gấp 5 lần người không bị rung nhĩ [1]. Tuy nhiên các nguy cơ đột quỵ này có thể phòng ngừa được.

Bệnh nhân rung nhĩ sẽ có tình trạng cơ tim ở tâm nhĩ mất đồng bộ khi co bóp. Sự mất đồng bộ này làm giảm chức năng của tim và làm cho máu bị ứ đọng trong các buồng tim. Máu bị ứ đọng lại có thể dẫn đến sự hình thành các cục máu đông.

(Ảnh minh họa) Cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch

Đột quỵ có thể xảy ra nếu cục máu đông từ tim vỡ ra và di chuyển gây tắc nghẽn một động mạch ở não. Đột quỵ do rung nhĩ có tỉ lệ tử vong cao hoặc gây ra nhiều di chứng nghiêm trọng.

3 dạng rung nhĩ chính và biểu hiện thường gặp

Có ba dạng rung nhĩ chính: rung nhĩ cơn (kéo dài từ vài phút đến vài giờ); rung nhĩ dai dẳng (kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần); hoặc rung nhĩ vĩnh viễn. Tuy nhiên, cho dù rung nhĩ ở bất kỳ dạng nào đều gia tăng nguy cơ đột quỵ và nguy cơ này kéo dài suốt đời người bệnh.

Rung nhĩ thường xảy ra ở những người trên 60 tuổi, nam giới, những người bị tiểu đường, huyết áp cao, suy tim sung huyết, nhiễm độc giáp trạng hoặc bệnh phổi mạn tính.

Người bị rung nhĩ có thể không có triệu chứng và chỉ được phát hiện khi khám sức khỏe hay khám một bệnh lý khác. Nhưng một số trường hợp có thể gặp triệu chứng sau:

- Mệt mỏi

- Nhịp tim nhanh và không đều

- Rung hoặc "đập mạnh" trong lồng ngực

- Chóng mặt hoặc choáng váng

- Khó thở, hồi hộp

- Yếu sức

- Ngất xỉu hoặc lú lẫn

- Mệt mỏi khi gắng sức

 

(Ảnh minh họa) Mệt mỏi, "đập mạnh" trong lồng ngực, khó thở là những triệu chứng thường gặp của rung nhĩ

Ngay khi có một hay nhiều các triệu chứng kể trên hay nghi ngờ bị rung nhĩ, hãy đến khám và tư vấn Bác sĩ chuyên khoa Tim mạch. Bác sĩ sẽ đánh giá chính xác tình trạng bệnh, xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng, nguyên nhân gây rung nhĩ, đánh giá nguy cơ và sẽ có chiến lược phòng ngừa đột quỵ thích hợp.

Bệnh rung nhĩ thường dai dẳng và có thể kéo dài vĩnh viễn, người bị rung nhĩ có thể kiểm soát triệu chứng một cách dễ dàng với thuốc chống loạn nhịp. Để phòng ngừa biến chứng đột quỵ nguy hiểm, người bị rung nhĩ cần được đánh giá, tư vấn và theo dõi bởi Bác sĩ chuyên khoa Tim mạch. Phòng ngừa đột quỵ ở người bị rung nhĩ là một chiến lược lâu dài và phải được theo dõi suốt đời.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hooman Kamel, Peter M. Okin, Mitchell S.V. Elkind, and Costantino Iadecola, Atrial Fibrillation and Mechanisms of Stroke
  2. Abdullah M. Alshehri, Stroke in atrial fibrillation: Review of risk stratification and preventive therapy

Tác giả: ThS. BS. Nguyễn Đức Khánh

Bài viết liên quan

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: CÁC NGUY CƠ THẦM LẶNG DẪN ĐẾN ĐỘT QUỴ NÃO
Tháng 11/2024
PGS. TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Tim TP.HCM, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM