25. Đối với người nhà bị bệnh đột quỵ thì có cần phải sơ cứu trước khi cấp cứu không ạ?

Đột quỵ thường xảy ra bất ngờ tại nhà hoặc cơ quan làm việc. Phần lớn người dân chưa có kiến thức sơ cứu ban đầu dẫn đến xử trí sai lầm, gây hậu quả nặng nề về sau cho bệnh nhân bị đột quỵ. Người ta thường đồn nhau sử dụng phương thức dân gian như cho uống an cung ngưu hoàng, trích máu, nặn máu ở đầu ngón tay, dái tai, bấm huyệt, châm cứu ...mà không đưa bệnh nhân tới bệnh viện ngay. Nhiều gia đình đưa bệnh nhân bị đột quỵ đến muộn, bỏ lỡ thời gian vàng (3-4,5 giờ) có thể can thiệp tái tưới máu, cứu được vùng tổn thương não, giảm bớt di chứng cho não, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống lâu dài.

Sơ cứu tại chỗ đúng cách cho người bị đột quỵ là cần thiết nhưng bản thân người thực hiện cần có kiến thức sơ cứu hiệu quả. Thực hiện sai có thể khiến não tổn thương nghiêm trọng hơn, đe dọa đến tính mạng và gây di chứng sau này.

Việc cần làm đầu tiên sau khi phát hiện người bệnh đột quỵ là cần gọi người trợ giúp và xe cấp cứu ngay lập tức. Quan sát nếu bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu nôn mửa, suy giảm ý thức, đổi sang tư thế nằm nghiêng an toàn hơn. Đây là tư thế được khuyến cáo trong hồi sức cấp cứu do giúp bảo vệ đường thở cho bệnh nhân cũng như các biến chứng khiến họ hít phải chất nôn gây bít tắc đường thở, suy hô hấp nguy hiểm. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cố gắng trò chuyện với bệnh nhân, hỗ trợ bệnh nhân nằm ở tư thế thoải mái nhất. Ngoài ra, tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống hoặc dùng thuốc như các thuốc hạ áp khẩn cấp, các thuốc không có chỉ định cho người bệnh.

ThS. BS. Trần Thị Thanh Hà

Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Tim Hà Nội