A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tử Vong Do Đột Quỵ Ở Người Trẻ Tuổi Ngày Càng Gia Tăng

Tổng số điểm của bài viết là: 21 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Nhiều nghiên cứu và thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ người bị đột quỵ não ngày càng gia tăng trong những năm vừa qua. Trung tâm cấp cứu đột quỵ của Bệnh viện 115 ghi nhận trong các ca nhập viện do ca đột quỵ thì đột quỵ não chiếm tỷ lệ cao nhất (85%) và có xu hướng tăng đều qua các năm, từ 10,351 người (2016) tăng lên 11,787 (2018), đặc biệt xuất hiện những ca tuổi đời còn rất trẻ.

Đột quỵ: Một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm có khoảng 17 triệu người mắc đột quỵ. Trong đó, khoảng 5 triệu người tử vong và 5 triệu phải gánh chịu hậu quả thương tật vĩnh viễn do đột quỵ gây nên làm gia tăng gánh nặng kinh tế cho cả gia đình và cộng đồng.

Ở Việt Nam, tỷ lệ người bị đột quỵ ngày càng gia tăng từ 200/100.00 người/năm (1990) lên đến 250/100.000 người/năm (2010). Mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm 200.000 ca mắc mới đột quỵ và 11.000 tử vong do đột quỵ.

Rung nhĩ, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý về mạch vành là các yếu tố chính làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra người có tiền sử bị đột quỵ hay cơn đột quỵ thoáng qua, cũng có nguy cơ tái phát đột quỵ rất cao.

Đột quỵ ngày càng trẻ hóa và gia tăng

Theo Tổ chức Đột Quỵ Mỹ, khoảng 15% bệnh nhân bị đột quỵ có độ tuổi trong khoảng từ 18 tới 45 tuổi, tăng hơn 40% trong vòng 10 năm qua. Ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng đáng báo động (khoảng 25% các ca đột quỵ).

Ảnh minh họa: Đột quỵ ở người trẻ tuổi

Nguyên nhân xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia và sử dụng các chất kích thích (thuốc lá, ma túy), đi kèm với lối sống lười vận động làm gia tăng tình trạng béo phì, cũng như các bệnh lý khác.

Việc tỷ lệ đột quỵ gia tăng ở người trẻ tuổi rất đáng lo ngại vì nếu không được cấp cứu kịp thời đột quỵ sẽ để lại di chứng nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến lao động chính của gia đình. Vì vậy, phòng ngừa và nhận biết đột quỵ là yếu tố quan trọng nhất.

Nhận biết và phòng ngừa đột quỵ.

Thời gian vàng trong điều trị đột quỵ là từ 4-6 tiếng, do đó việc nhận biết sớm được các triệu chứng của đột quỵ là vô cùng quan trọng. Người bị đột quỵ thường gặp phải các tình trạng như:

  • Cảm thấy mất thăng bằng, loạng choạng.
  • Mờ hoặc mất thị lực một phần hay hoàn toàn.
  • Khuôn mặt bị mất cân đối, chảy xệ một bên mặt, nhân trung bị lệch.
  • Cơ thể mệt mỏi, không sức lực, khó khăn trong vận động, bị liệt một bên người.
  • Giọng nói bị thay đổi, khó khăn trong phát âm, nói ngọng bất thường.

Khi bắt gặp những triệu chứng trên, hãy gọi ngay cho số cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể dự phòng đột quỵ và đảm bảo sức khỏe thông qua những hành động thiết thực dưới đây:

Hình ảnh minh họa: Nguyên tắc trong dự phòng và kiểm soát đột quỵ.

  • Giữ cân nặng hợp lý.
  • Tập thể dục thường xuyên (30 phút/ngày, 150 phút mỗi tuần).
  • Chế độ ăn đúng: Giảm chất béo, giảm muối, tăng cường rau và trái cây.
  • Hạn chế rượu bia và các chất kích thích.
  • Khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là duy trì điều trị ở những bệnh lý mãn tính như rung nhĩ, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.

Ban Biên Tập

Nếu cũng quan tâm đến đột quỵ, bạn có thể thường xuyên ghé qua web và page Phòng chống đột quỵ để cập nhật những thông tin mới nhất, nhằm giữ gìn sức khỏe cho bản thân, gia đình cũng như cả cộng đồng.


  1. TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, Thống kê của Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Nhân dân 115.
  2. WHO, The Atlas of Heart Disease and Stroke, Global burden of stroke.
  3. Sở y tế TP.HCM, bài viết “Trung tâm đột quỵ đầu tiên châu Á đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng châu Âu”
  4. American Heart Association, As stroke rates rise among younger adults, nearly 1 in 3 don't know symptoms.
  5. TS. Nguyễn Anh Tuấn, Hội tim mạch học Việt Nam, Bài viết “Đột quỵ ở người trẻ, mối lo lắng nặng nề về di chứng”

Tác giả: Ban Biên Tập
Cục quản lý Khám, chữa bệnh
Cục quản lý Khám, chữa bệnh

Bài viết liên quan

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: CÁC NGUY CƠ THẦM LẶNG DẪN ĐẾN ĐỘT QUỴ NÃO
Tháng 12/2024
PGS. TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Tim TP.HCM, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM